Các “Big Tech” có tầm ảnh hưởng đối với toàn bộ nền kinh tế tương tự các ngân hàng. Nhờ quyền truy cập vào dữ liệu, họ hiểu về hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Sự phát triển của ChatGPT cũng đã phát động một cuộc đua giữa các hãng công nghệ lớn như Microsoft và Google trong lĩnh vực AI. Ảnh minh họa: Canva
Khi các vụ kiện chống độc quyền đối với Google, Apple và Amazon sắp có kết quả, nhiều nhà quan sát cho rằng năm 2024 có thể là một bước ngoặt đối với các gã khổng lồ công nghệ (“Big Tech”). Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà chức trách tiếp tục thúc đẩy vụ kiện tụng này, họ vẫn sẽ bị tác động bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vốn có khả năng củng cố sự thống trị của “Big Tech” đối với nền kinh tế.
Những lùm xùm xung quanh việc sa thải rồi lại tuyển dụng Giám đốc Điều hành (CEO) Sam Altman của công ty OpenAI gần đây được hiểu là mâu thuẫn giữa các thành viên hội đồng quản trị, giữa một bên là những người lo lắng về rủi ro của AI và một bên là những người đam mê công nghệ này như ông Altman. Nhưng sự việc này phần nào cho thấy mối quan hệ của OpenAI với Microsoft, nhà đầu tư lớn nhất vào hoạt động thương mại của OpenAI.
Mặc dù cấu trúc phi lợi nhuận của OpenAI trên danh nghĩa có nghĩa chỉ hội đồng quản trị mới có thể kiểm soát được công ty, nhưng hội đồng quản trị đã buộc phải thuê lại ông Altman sau khi Microsoft bày tỏ những nghi ngại khi việc xa thải vị CEO này có thể kích động một cuộc nổi dậy của nhân viên.
Microsoft không chỉ là nhà đầu tư vào OpenAI – hai công ty này đồng thời là đối thủ cạnh tranh. Cả hai công ty đều phát triển và khai thác thương mại các sản phẩm AI. Phía Microsoft đã ngừng mua một số sản phẩm từ OpenAI để tránh các vấn đề chống độc quyền. Nhưng nếu Microsoft kiểm soát toàn bộ hoặc một phần OpenAI thì hai công ty này có thể tồn tại mối quan hệ thông đồng bất hợp pháp. Đó là lý do tại sao Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và cơ quan cạnh tranh của Anh đều đang điều tra quan hệ này.
Mối quan hệ OpenAI-Microsoft chỉ là một phần nhỏ phản ánh sự độc quyền về AI, một lĩnh vực vốn đang phát triển nhanh chóng. Theo một bài báo gần đây của các giáo sư luật Tejas Narechania thuộc Đại học California, hay Berkeley và Ganesh Sitaraman của Đại học Vanderbilt, sức mạnh thị trường đang lan khắp chuỗi cung ứng AI. Nhà độc quyền Nvidia sản xuất hầu hết các loại chip cần thiết cho việc phát triển AI. Các tập đoàn Amazon, Google và Microsoft thống trị điện toán đám mây, vốn rất cần thiết để lưu trữ dữ liệu.
Vì các công ty này và Meta (công ty mẹ của Facebook/Instagram) là những công ty duy nhất có thể thu thập và lưu trữ dữ liệu đó, họ cũng là những công ty đang phát triển lẫn thu lợi nhuận từ các mô hình và ứng dụng AI quan trọng nhất. Trong khi Microsoft có ChatGPT cùng với các ứng dụng AI độc quyền của riêng mình, thì Google có Bard và cùng Amazon đầu tư hàng tỷ USD vào Anthropic, nhà phát triển của Claude.
Hầu như tất cả các công ty công nghệ lớn và giám đốc điều hành của họ đều được kết nối thông qua các tổ chức và mạng lưới chuyên nghiệp. Chúng bao gồm vườn ươm khởi nghiệp Y Combinator (nơi ông Altman làm Chủ tịch trước khi chuyển sang OpenAI); các dự án nghiên cứu chung (chẳng hạn như quan hệ đối tác liên quan đến AI bao gồm Google, Facebook, Amazon và Microsoft); hội đồng công ty và các mối quan hệ xã hội. Hội đồng phi lợi nhuận của OpenAI bao gồm những người có mối liên hệ với các công ty khác cũng đang phát triển sản phẩm AI. Ví dụ, một trong những thành viên sáng lập của nó là tỷ phú Elon Musk, người đã nghỉ việc tại OpenAI cách đây vài năm.
Biểu tượng của Google và Meta. Ảnh: AF
Mạng lưới kết nối chặt chẽ này tạo ra thời cơ cho sự thông đồng (bất hợp pháp) hoặc quan hệ phối hợp (điều này hợp pháp nhưng vẫn có hại cho người tiêu dùng). Nhưng với sự chú ý của công chúng chủ yếu tập trung vào việc lạm dụng quyền lực độc quyền của các “Big Tech” riêng lẻ, mọi người đã bỏ qua nhiều cách mà các công ty công nghệ có thể thông đồng với nhau để mở rộng quyền lực thị trường của họ.
Những gã khổng lồ này từng có quá trình thực hiện hành vi như vậy trong quá khứ. Năm 2010, Bộ Tư pháp Mỹ đã phải giải quyết vụ kiện trong đó những công ty này phải chấp nhận phán quyết không thuê kỹ sư phần mềm của nhau. Trong email, cố CEO Steve Jobs của Apple đã mắng cựu CEO Eric Schmidt của Google vì đã cho phép các nhà tuyển dụng thuê nhân viên của Apple. Sau đó ông Schmidt đã ra lệnh cho cấp dưới sa thải một nhà tuyển dụng “bằng lời nói” để “tránh dấu vết trên giấy tờ”.
Trong một vụ kiện đang diễn ra thách thức sự thống trị của Google về lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, tòa án đang xem xét bằng chứng cho thấy Google đã trả tiền cho Apple để có được trạng thái mặc định trên iPhone. Mục tiêu có thể là loại Apple ra khỏi thị trường tìm kiếm trực tuyến độc quyền. Trong một trường hợp khác chống lại Google vì độc quyền quảng cáo kỹ thuật số, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc rằng Google đã trả tiền cho Facebook để đảm bảo sự thống trị của họ trên thị trường này.
Nhiều năm trước, Apple đã bị phát hiện đang dàn dựng một kế hoạch thông đồng giữa các nhà xuất bản sách. Và khi các nhân viên của OpenAI đe dọa sẽ rời sang Microsoft sau khi ông Altman bị sa thải, họ đang cố gắng bán OpenAI cho Microsoft một cách có lợi nhất. Đó là một kiểu thông đồng giữa các nhân viên để thực hiện một vụ sáp nhập có thể vi phạm tinh thần lẫn nội dung của luật chống độc quyền.
Mối quan hệ nồng ấm giữa các CEO công nghệ gợi nhớ đến Gilded Age – “quỹ tín thác tiền tệ” của các ngân hàng với tổ chức tài chính quan trọng, vừa cung cấp vốn cho các gã khổng lồ công nghiệp vừa tạo mối liên kết chặt chẽ với nhau. Quyền lực phi thường của quỹ tín thác tiền tệ đã dẫn đến luật chống độc quyền (vào các năm 1890 và 1914), quy định (bao gồm cả việc thành lập Cục Dự trữ Liên bang Mỹ năm 1913), và cuối cùng là luật giải thể các ngân hàng, hạn chế sự tham gia của họ trong việc sở hữu các công ty và hạn chế hoạt động của họ (trong những năm 1930). Không giống như một công ty dầu mỏ hay đường sắt, các ngân hàng có vị trí đặc biệt để thúc đẩy sự hợp nhất trong toàn bộ nền kinh tế vì họ có thể sử dụng đòn bẩy tài chính của mình đối với hầu hết mọi công ty thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau.
Các “Big Tech” hiện giống các ngân hàng về tầm ảnh hưởng của họ trên toàn bộ nền kinh tế – nhưng ở mức độ siêu cao. Thông qua quyền truy cập vào dữ liệu, họ biết nhiều hơn về hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời có khả năng kiểm soát sâu rộng hơn hơn các ngân hàng từng làm. Họ cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp trên toàn nền kinh tế, cũng như các sản phẩm và dịch vụ cho hầu hết người tiêu dùng. Chưa từng có ngân hàng nào có được tầm với như vậy.
Không có gì ngạc nhiên khi các công ty công nghệ cũng đang thay thế các tổ chức tài chính chỉ huy của nền kinh tế. Như một nhận xét trên tờ The Financial Times, các “Big Tech” đã liên tục gạt các tổ chức tài chính sang một bên trong cuộc đua mua lại các công ty AI. Không chỉ 6 công ty công nghệ lớn nhất có trụ sở tại Mỹ (theo vốn hóa thị trường) mà công ty nhỏ nhất trong số đó (Meta) cũng có quy mô gần gấp đôi ngân hàng JPMorgan. Bảy công ty công nghệ hàng đầu hiện chiếm 30% toàn bộ nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500. Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim thống trị thị trường những năm 1920, hệ thống ngân hàng chỉ chiếm 16-19% nhóm chỉ số này.
Các họa sỹ biếm họa từ thời kỳ đầu chống độc quyền đã mô tả mối liên hệ tài chính giữa các ngân hàng và các nhà độc quyền trong nền kinh tế thực như những xúc tu bạch tuộc, bao vây và siết chặt các chính trị gia cũng như người tiêu dùng. Nếu AI trở thành huyết mạch của mọi lĩnh vực kinh tế – như đầu vào trong mọi ngành từ luật pháp đến sản xuất – chúng ta có thể nhìn thấy một tương lai tập trung kinh tế và quyền lực chính trị của doanh nghiệp sẽ lấn át mọi thứ trước đó.