Apple và Tesla đang gặp phải những khó khăn trong chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc, khi các sản phẩm nội địa tại đây ngày càng lấn át các thương hiệu nước ngoài.
Nhà máy của Tesla tại Fremont, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Apple và Tesla – hai tập đoàn công nghệ lớn hàng đầu của Mỹ, đang gặp phải những khó khăn trong chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc, khi các sản phẩm nội địa tại đây ngày càng lấn át các thương hiệu nước ngoài.
Thị phần và doanh thu giảm sút trong tháng 3 cho thấy hai “gã khổng lồ” đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cũng như ảnh hưởng từ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Ngoài Mỹ, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của Apple và Tesla, lần lượt đóng góp 19% và 22% tổng doanh thu của hai hãng trong những tài khóa gần đây nhất. Những thách thức ngày càng tăng tại thị trường này đã làm dấy lên lo ngại cho các nhà đầu tư Phố Wall, góp phần khiến giá cổ phiếu của Apple giảm 9% trong năm nay và giá cổ phiếu của Tesla giảm 28%. Mức giảm này đã khiến cổ phiếu của Apple và Tesla trở thành những cổ phiếu hoạt động kém nhất trong “Magnificent Seven” – nhóm cổ phiếu của những “ông lớn” về công nghệ .
Theo dữ liệu từ nhóm nghiên cứu Counterpoint, trong 6 tuần đầu năm nay, doanh số bán điện thoại thông minh của Apple đã giảm 24% so với một năm trước. Ngược lại, doanh số của Huawei lại tăng 64%. Doanh thu quý IV/2023 của Apple đã phản ánh rõ nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc, khi doanh thu tại thị trường này bất ngờ giảm 13% so với một năm trước đó.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm là do người dân Trung Quốc đang dần chuyển hướng khỏi các sản phẩn của Apple, trong khi các sản phẩm của Huawei ngày càng được ưa chuộng. Apple đã để mất thị phần điện thoại thông minh vào tay Huawei, khi công ty của Trung Quốc này “trình làng” dòng điện thoại thông minh mới mang tên Mate 60 Pro, được trang bị bộ vi xử lý nội địa và có khả năng đạt tốc độ gần 5G.
Tình hình khó khăn khiến Apple và các đại lý bán lẻ bắt đầu giảm giá, trong khi Tesla cũng áp dụng chiến lược tương tự để duy trì doanh số. Mới đây, Tesla đã đưa ra các ưu đãi trị giá tới 34.600 nhân dân tệ (4.800 USD) để thu hút người tiêu dùng Trung Quốc mua các mẫu xe Model 3 và Model Y của hãng. Mặc dù doanh số bán hàng của Tesla tại Trung Quốc vẫn ổn định trong năm 2023, tập đoàn vẫn phải đối mặt với cuộc chiến giá cả khốc liệt và hiện có những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu tăng trưởng chậm lại. Trong hai tháng đầu năm nay, thị phần xe điện của Tesla tại Trung Quốc đã giảm xuống 6,6%, từ mức 7,9% cùng kỳ năm trước.
Daniel Kollar, chuyên gia ô tô tại công ty tư vấn Intralink, cho biết hiệu suất hoạt động của Tesla tại Trung Quốc vẫn tốt nhưng công ty phải đối mặt với những thách thức từ cạnh tranh địa phương, sự trở lại của dòng xe hybrid.
Không chỉ Apple và Tesla, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đang thất thế trước các thương hiệu nội địa của Trung Quốc. Doanh số của hai hãng sản xuất đồ thể thao Nike và Adidas tại thị trường Trung Quốc vẫn chưa trở lại mức đỉnh như hồi năm 2021. Một báo cáo gần đây của McKinsey cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các thương hiệu trong nước.