Gạo Việt Nam có thể bị cạnh tranh ngay tại thị trường truyền thống

Chính phủ Philipines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác Việt Nam mà trước đây họ cho rằng không có lợi thế.

Thương vụ Việt Nam tại Philipines cho biết, trong bối cảnh phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung gạo từ Việt Nam nên Chính phủ Philipines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này thông qua việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác Việt Nam mà trước đây họ cho rằng không có lợi thế. Điều này đã được Thương vụ Việt Nam tại Philipines nắm bắt thông tin, nhận định và cảnh báo tới các cơ quan bộ, ngành quản lý, xây dựng chính sách và doanh nghiệp trong nước.


Philippines là thị trường số 1 về xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philipines, gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với quốc gia này. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên Philipines phải nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia khác. Đối với Việt Nam, gạo vừa là mặt hàng truyền thống và đồng thời là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo nên vị thế vững chắc của Việt Nam vào thị trường Philipines trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cùng với những biến động địa chính trị và bất ổn trên thế giới, sự thay đổi chính sách của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, điển hình như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ làm cho vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của Philipines càng được chú trọng hơn.

Số liệu nhập khẩu gạo của Philipines tính đến giữa tháng 3 năm 2024 phần nào đã phản ánh sự thành công bước đầu của Chính phủ nước này trong việc tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo. Theo thống kê của Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philipines, tính từ ngày 1/1-14/3/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philipines là 886.963,11 tấn, cao hơn khoảng 10,6% so với tổng lượng gạo nhập khẩu trong quý I năm 2023. Con số này cho thấy dự báo của Thương vụ về mức nhập khẩu gạo của Philipines trong năm 2024 vẫn ở mức cao, khoảng 3,8 đến 4 triệu tấn là hoàn toàn phù hợp.

Trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philipines nêu trên, gạo nhập khẩu từ Việt Nam vẫn chiếm lượng lớn nhất là 493.962,72 tấn, chiếm 55,7%. Tiếp theo là gạo nhập khẩu từ Thái Lan với 230.559,43 tấn, chiếm 26%, trong khi gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 tấn, chiếm 12,4%. Ngoài ra, Philipines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 tấn, từ Cambodia 1.620 tấn, từ Nhật Bản 1.815,37 tấn, từ Ấn Độ 235,5 tấn và từ Italy 6,6 tấn.

Số gạo nêu trên được nhập bởi 109 công ty được Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philipines cấp giấy phép nhập khẩu, trong đó có hai doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất là Orison Free Enterprise Inc với khối lượng 103.408,35 tấn, tiếp theo là BLY Agri Venture Trading với khối lượng nhập là 55.419,99 tấn.

Trong khi đó, từ ngày 1-14/3/ 2024, Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philipines cũng đã cấp 424 giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan cho 358.188,5 tấn gạo nhập khẩu. Theo quy định, lượng gạo được cấp phép kiểm dịch thông quan nêu trên phải được nhập vào Philipines trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp phép.

Việc Philipines đạt được thành công bước đầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo làm cho gạo của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh hơn tại thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt, trước hết là hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu mới. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philipines triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam; trong đó, có mặt hàng gạo.


Vận chuyển gạo xuất khẩu lên container. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

Cập nhật thông tin về thị trường và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài mới đây, ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cho rằng, Philippines có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên, nhiều năm qua sản xuất lúa gạo trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Tùy thuộc vào điều kiện canh tác và thời tiết, sản xuất nội địa những năm gần đây của Philippines đạt khoảng từ 19-20 triệu tấn thóc, tương đương khoảng trên 12 triệu đến 13 triệu tấn gạo.

Những năm trước, Philippines mua gạo theo phương thức đàm phán liên Chính phủ (G2G), Việt Nam luôn phải cạnh tranh cùng với Thái Lan, là hai đối tác xuất khẩu gạo lớn cho Philippines. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi Luật số 11203 cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu gạo nên Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.

Theo ông Phùng Văn Thành, lợi thế của gạo Việt Nam tại thị trường Philippines là nhiều doanh nghiệp gạo của Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines. Cùng đó, gạo của Việt Nam phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh.

Hơn nữa, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định, cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines, khoảng cách địa lý nên chi phí và thuận tiện trong chuyên chở. Đặc biệt, Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia trong khi các đối tác ngoài Asean như Ấn Độ, Pakistan không có.

Theo ông Phùng Văn Thành, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến năm 2024 sẽ khoảng từ 3,5-3,8 triệu tấn. Tuy nhiên, Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Vì vậy, Thương vụ kiến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt cần phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Ngoài ra, tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.

Để gạo Việt Nam chắc chân tại thị trường Philippines, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh như đầu tư hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu mới.
Cùng đó, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cần phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam; trong đó, có mặt hàng gạo. Ngoài ra, doanh nghiệp nên đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp. Đặc biệt, chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, năm 2024 cơ hội xuất khẩu cho ngành gạo là rất lớn nhưng cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong bối cảnh thị trường thương mại gạo toàn cầu 2024 vẫn nóng và có nhiều biến động, doanh nghiệp gạo phải bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững. Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động đàm phán để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top