Kết nối chuỗi sản xuất, chuẩn bị đón làn sóng đầu tư vào ngành điện tử, bán dẫn

Hội nghị – Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 do Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam tổ chức đã chính thức diễn ra tại Hà Nội vào ngày 26/03/2024.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị,TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cải cách công nghệ lớn tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Sản xuất thông minh trở thành một xu thế tất yếu với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động, tiết kiệm đáng kể chi phí, đặc biệt là chi phí nhân công, bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả trong kinh doanh.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, sự ổn định về chính trị, xã hội với thị trường hơn 100 triệu dân, một Chính phủ kiến tạo với các chính sách quyết liệt và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm hội nhập quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi số… nhiều địa phương thực hiện chiến lược “xây tổ đón đại bàng” … đã và đang tạo ưu thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng đưa ra nhận định, “sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới”.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón nhận được làn sóng đầu tư này”.

Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ KH&ĐT triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh này tại Việt Nam.

Cụ thể như giao: Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030; Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng đất đai, hạ tầng giao thông, viễn thông, điện nước…

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, để tiếp tục tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các Dự án công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao, Thành phố Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn đến năm 2025 có 2 đến 5 KCN mới được thành lập, tạo mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư.

Trong đó, Thành phố trong đó sẽ ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Ranjit Thambyrajah, Chủ tịch Acuity Funding nhìn nhận, khi sản xuất tại Việt Nam trở nên tinh vi hơn, nhu cầu về lực lượng lao động lành nghề sẽ tăng lên. Để chuẩn bị cho nhu cầu này, Việt Nam sẽ cần đầu tư hơn nữa vào giáo dục và đào tạo để cung cấp cho các ngành công nghiệp lực lượng lao động có năng lực. Cũng cần xây dựng các Khu công nghiệp tích hợp đầy đủ và trung hòa năng lượng phù hợp với tương lai của sản xuất. Sự gia tăng dự kiến trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và hậu cần.

Bên cạnh những đề xuất hỗ trợ về vốn, chính sách thuế, ông Lưu Văn Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam đề xuất Chính phủ cần phân công các đầu mối giám sát các chuỗi sản xuất, thông báo cho doanh nghiệp về các yêu cầu về lựa chọn nhà cung cấp linh kiện, sản xuất phụ trợ để các doanh nghệp nhỏ và vừa đăng ký tham gia chuỗi sản xuất, qua đó có cơ chế, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này nâng cao năng lực đủ điều kiện tham gia chuỗi. Thành lập một nhóm, hoặc tổ chức kết nối doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và sản xuất phụ trợ trong nước.

Diễn đàn có sự tham dự của 600 đại biểu là Đại diện từ Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Quản lý Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, các đơn vị tư vấn xúc tiến đầu tư và các công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp/cụm công nghiệp của Việt Nam.

Đặc biệt, khoảng 300 đại biểu tham dự là đại diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, thiết bị của Việt Nam.

Theo: bnews.vn
Spread the love
Back To Top