Lắng nghe tiếng nói người trồng sầu riêng

Để phát triển bền vững được một ngành hàng chúng ta cần tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất với nhau. Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sầu riêng cũng không phải ngoại lệ, muốn nắm bắt được cơ hội của thị trường và phát triển ngành hàng bền vững, sản xuất sầu riêng cần được chuẩn hóa.

Toàn cảnh diễn đàn – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là ý kiến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại Diễn đàn Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam tổ chức hôm nay (11/9), tại Đắk Lắk.

Tranh mua, tranh bán làm yếu thương hiệu chung

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp nói về câu chuyện sản xuất, thu mua và xuất khẩu sầu riêng và những khó khăn đang hiện hữu; đặc biệt là những câu chuyện người dân “bẻ kèo” khi giá sầu riêng lên cao hoặc có những vườn bán sầu riêng non, không đáp ứng chất lượng…

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đặt ra 3 vấn đề băn khoăn: Thứ nhất, một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng nhưng chưa mua được sản phẩm từ mã số. Tuy nhiên, từ các mã vùng trồng này, một số đơn vị vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường. Thứ hai, những mã số vùng trồng được làm chuẩn như nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại… thì giá bán cũng ngang bằng, thậm chí thấp hơn những đơn vị khác. Thứ ba, việc tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên.

Còn ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding (TPHCM) cho biết, nếu giá “thuận tự nhiên”, việc mua bán vẫn diễn ra bình thường nhưng khi giá xuống, thương lái, “cò” sẽ đề nghị xuống giá; điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới người dân. “Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi”.

Nhìn nhận việc nâng cao kiến thức cho người nông dân mới là mấu chốt tạo chuỗi liên kết bền vững, Tập đoàn Vạn Hòa Holding đã có chính sách đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ vốn 50 triệu đồng/ha. 

Ông  Trung cũng nêu đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, như vậy thì ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Dừng cấp phép xuất khẩu những cơ sở không đảm bảo quy định

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật có văn bản gửi một số địa phương tạm dừng, thu hồi các vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp cho rằng động thái này khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ, gặp khó khi xuất khẩu.

Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định: “Hiện không có lô hàng nào ùn ứ tại cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong quá trình thông báo, cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt với những lô hàng có liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm”.

Theo quy định, tại thời điểm kiểm tra lô hàng trước khi xuất khẩu hoặc ở cửa khẩu đến nếu phát hiện vi phạm thì Việt Nam hoặc Trung Quốc sẽ tạm dừng xuất khẩu với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm trong thời gian còn lại của mùa vụ. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói đó sẽ phải khắc phục vi phạm, gửi lại hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật và gửi cho cơ quan chức năng Trung Quốc xem xét.

Việc thông báo khắc phục, tạm dừng hay thu hồi phải dựa trên 2 nguyên tắc là: Không ảnh hưởng đến thương mại, quyền lợi của người sản xuất kinh doanh, đơn vị xuất khẩu; không đánh đồng doanh nghiệp vi phạm với doanh nghiệp tuân thủ tốt.

Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm 2 nghị định. Đó là nghị định về hướng dẫn cấp mã số, vùng trồng và cơ sở đóng gói; nghị định về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ suy nghĩ cần thay đổi tư duy từ “thuận mua vừa bán” sang tư duy “hợp tác”.

“Để phát triển bền vững được một ngành hàng chúng ta cần tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững”.

PV
Theo: baochinhphu
Spread the love
Back To Top