Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn, qua hai tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã tạo đà tích cực cho nền kinh tế của tỉnh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát
Sản xuất công nghiệp đã tăng mạnh, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 99,29% so với tháng trước và tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều này phản ánh sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mô hình, tìm kiếm thị trường mới và áp dụng công nghệ số. Đồng thời, xuất khẩu cũng đạt kết quả khả quan, với tổng kim ngạch xuất khẩu tính đến cuối tháng 2/2024 đạt hơn 7,3 tỷ USD tăng 6,17% so với cùng kỳ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tổng thể.
Sự hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cũng được tỉnh quan tâm mạnh mẽ. Đăng ký doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài đều tăng cao; đặc biệt là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp mới và điều chỉnh vốn cho các doanh nghiệp hiện có.
Cụ thể, tỉnh đã thu hút 11.319 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 109,1% so với cùng kỳ), gồm 947 doanh nghiệp đăng ký mới với 5.280,8 tỷ đồng; 130 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn 6.879,1 tỷ đồng; 17 doanh nghiệp giảm vốn (274,3 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, tỉnh có 66.947 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 738 nghìn tỷ đồng. Về số vốn đầu tư nước ngoài thu hút hơn 100 triệu USD.
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, một số khó khăn trong doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều. Qua đó, công tác tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp cũng đã được tỉnh Bình Dương quan tâm và thực hiện một cách tích cực. Việc thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ khác đã giúp giải quyết nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, từ thủ tục hành chính đến vấn đề tài chính và lao động. Sự linh hoạt và tích cực trong việc nắm bắt và giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp đã tạo ra hiệu quả tích cực.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng tăng cườngtổ chức hội nghị, đối thoại và buổi làm việc với nhà đầu tư và doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thực hiện dự án và giải quyết các khó khăn. Việc chủ động thông tin và giải quyết các vấn đề đã được thực hiện thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết quả, UBND tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 189/191 nội dung phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như thủ tục hành chính, tài chính, lao động và môi trường.
UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức và cử lãnh đạo tỉnh tham gia các hội nghị, đối thoại, buổi làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục thu hút, mời gọi các dự án đầu tư mới; đồng thời, lắng nghe và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ để vượt qua các thách thức còn lại và duy trì sự phát triển bền vững trong năm 2024.