Việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần có thêm những cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này, hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.
Thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng
Từ xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, Long An đã đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, có bước phát triển tương đối khá. Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự thay đổi rõ nét, từ nông nghiệp – thương mại, dịch vụ – công nghiệp chuyển sang công nghiệp – đô thị, thương mại, dịch vụ – nông nghiệp.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng
Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn xác định nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Lãnh đạo tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đạt hiệu quả Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Điều này tạo một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, từng bước chuẩn hóa vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thị trường.
Do đó, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh như chuối, chanh, thanh long, gạo,… đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, thậm chí vào được những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Úc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Ngành Nông nghiệp phát huy được thế mạnh, từng bước khẳng định vị trí trong nền kinh tế tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra hiện nay đối với nông nghiệp là chất lượng, giá trị và đầu ra của sản phẩm chưa tương xứng, sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường thế giới còn nhiều hạn chế.
Một số ngành hàng, hàng hóa từ nông nghiệp của tỉnh có thể “vươn xa” ra biển lớn nhưng số lượng không nhiều. Nông dân vẫn loay hoay với câu chuyện “được mùa, mất giá”, thậm chí là “mất mùa, mất giá”. Sự tham gia cũng như thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số lượng khá khiêm tốn do chưa có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, hạn chế những rủi ro để các DN “rót tiền” thực hiện.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út, thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển, tuy nhiên, sự tăng trưởng còn thiếu bền vững, chủ yếu vẫn theo chiều rộng, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên. Đây là thực trạng không chỉ riêng của tỉnh mà còn là khó khăn chung của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Việc tham gia của DN vào nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để đầu tư cho nông nghiệp bền vững cần có thêm những cơ chế, chính sách đột phá.
Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã có mặt ở những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Úc, châu Âu, Nhật Bản,…
Là nông dân và cũng là doanh nhân nhiều năm tâm huyết, tham gia trực tiếp từ đầu tư, sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đại diện Công ty TNHH Huy Long An-Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) – Võ Quan Huy đề xuất, trong xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp cần quan tâm đến lợi ích của nông dân nuôi, trồng nhỏ, lẻ; dẫn dắt họ có được cuộc sống ấm no hơn để có thể theo đuổi và sống được với nghề; tìm kiếm kênh đầu tư ổn định (sử dụng vật tư để thanh toán qua ngân hàng, các tổ chức tín dụng, không nhận tiền mặt,…); khuyến khích DN sử dụng công nghệ cao theo hướng giảm thiểu phát thải, xây dựng vùng luân canh, chuyên canh tập trung, có chất lượng để cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước cần có thêm những cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích, giảm thiểu những rủi ro khi DN đầu tư vào nông nghiệp.
“Trên cơ sở định hướng phát triển công nghiêp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh tiếp tục nghiên cứu và xây dựng định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh; đồng thời, xác định những dự án mang tính động lực để thu hút nguồn lực đầu tư từ các DN trong và ngoài nước.
Thông qua một số chương trình, hoạt động, diễn đàn về lĩnh vực nông nghiệp do tỉnh tổ chức hoặc phối hợp tổ chức cũng gợi mở những nghiên cứu và đề xuất giải pháp, các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tiếp cận thành công các thị trường tiềm năng, kết nối cung – cầu, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự bứt phá cho phát triển nông nghiệp bền vững” – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Út thông tin./.