Trên con đường “xanh hóa” xuất khẩu nông sản Việt đã trở thành yêu cầu bắt buộc, “tấm vé” vượt qua các rào cản để vào được các chuỗi, hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới…
“Xanh hóa” nông sản không còn là cuộc chơi mà là tấm vé vào cửa thị trường. (Ảnh: Nguyễn Vũ)
Doanh nghiệp chú trọng 3 vấn đề cốt lõi trong “xanh hóa”
Được biết, tháng 9 tới đây, Bộ Công Thương sẽ tổ chức chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (International Sourcing 2023). Walmart là một trong rất nhiều tập đoàn lớn sẽ tham gia Viet Nam International Sourcing 2023, bên cạnh nhiều “gã khổng lồ” như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)…
Trong đó, Walmart ưu tiên tìm kiếm 6 ngành hàng trước thềm đại sự kiện thu mua tại Việt Nam Sourcing. Theo đó, để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi, đó là: Xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu chia sẻ, tại thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng, thỏa thuận xanh châu Âu là một chính sách mới, dự kiến sẽ tác động đến hoạt động giao thương với khu vực này, đồng thời mở ra các khả năng mới cho hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài EU.
Một số chính sách/chiến lược có thể nhìn thấy ngay việc ảnh hưởng đến xuất khẩu sang EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn, hay là Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.
Ông Bartosz Cieleszynski Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, có lời khuyên: Cơ quan chức năng của Việt Nam cần làm việc chặt chẽ với nông dân, hội nông dân và các bên liên quan để xác định những hạn chế trong chuỗi sản xuất, bao gồm việc quản lý thực hành nông nghiệp tốt, nhằm nâng cao nhận thức về giới hạn dư lượng tối đa (MRL) của EU.
Một lưu ý quan trọng là EU tập trung khuyến khích canh tác hữu cơ vì tất cả lợi ích mà sản phẩm hữu cơ mang đến cho môi trường, nước, đất, hệ sinh vi sinh, động vật, thu nhập của nông dân, tạo việc làm, phát triển nông thôn…
Đây là lý do vì sao trong Thỏa thuận xanh châu Âu nhằm trung hoà khí hậu cho năm 2050, EU đã đặt mục tiêu đạt được 25% diện tích đất nông nghiệp của EU được canh tác hữu cơ vào năm 2030 và tăng đáng kể nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ.
Nền nông nghiệp bắt đầu từ hành động tập thể
Trải qua chiều dài lịch sử phát triển, dân số ngày một gia tăng, bình quân diện tích đất nông nghiệp theo đầu người của nước ta lại rơi vào loại thấp nhất thế giới, cộng với kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Nền nông nghiệp hoá học đã đóng vai trò lớn trong việc làm biến đổi khí hậu toàn cầu theo hướng tiêu cực, gây ô nhiễm môi trường sinh thái đến mức rất nghiêm trọng. Cả người sản xuất và tiêu dùng nông sản phải gánh chịu những tác hại nghiêm trọng do nền nông nghiệp hoá học gây ra với những bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt là bệnh ung thư.
Vì thế, việc “xanh hóa” ngành chủ lực XK như nông sản đang đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ ngành nông nghiệp, chứ không chỉ ở những khu nông nghiệp công nghệ cao, từ cung ứng nguồn lực đầu vào đến canh tác, nuôi trồng, khai thác, mua, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản đến tay người tiêu dùng.
Một trong những giải pháp khả thi để có thể thực hiện mục tiêu “xanh hoá” XK nông sản là cần khôi phục và phát triển bền vững nền nông nghiệp hữu cơ đối với một số loại nông sản, ở một số vùng nông nghiệp sinh thái có lợi thế so sánh cao.
Và nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại phải được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn hẳn nền nông nghiệp GlobalGAP.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Một nền nông nghiệp không hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới “hợp tác và liên kết”. Chính vì thế, với chiến lược “xanh hoá” cho XK nông sản, không có gì khác hơn là bắt đầu từ hành động tập thể, sự kiên trì làm thay đổi tư duy và hành vi của công thức hoạch định chính sách phát triển “nông nghiệp xanh” của nhà nông, của hợp tác xã, của nhà doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản Việt ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái…