Xuất khẩu nông sản vẫn ‘sáng’ đến mức nào?

Trong nửa đầu năm 2023, dù các thị trường gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có bảy sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD. Gạo và rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với giá trị tăng lần lượt 34% và 64%.

Sầu riêng đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay, được dự báo đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm 2023 – Ảnh: TRUNG TÂN

Theo Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng đang tập trung đàm phán ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với một số loại trái cây có múi và dừa, đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, hoàn tất các công đoạn cuối để xuất xoài và thanh long tươi sang Nhật Bản từ 1-8-2023…

Do đó, tiềm năng xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam vẫn còn rất lớn.

Sẽ thêm nhiều loại trái cây được xuất khẩu

Ông Hoàng Trung, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023.

Hầu hết các loại nông sản chính đều xuất khẩu rất tốt sang Trung Quốc như gạo và trái cây, trong đó có loại chiếm tỉ trọng lớn, mang lại kỷ lục về kim ngạch trong thời gian qua đó là sầu riêng.

Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 180.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 850 triệu USD. Dự báo đến hết năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể vượt con số 1 tỉ USD.

Ngoài ra, xuất khẩu vải thiều, thanh long và nhiều loại trái cây khác sang Trung Quốc cũng rất thuận lợi. Nhờ đó trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả nói chung đạt 2,75 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022, cao kỷ lục của ngành hàng này.

Theo ông Trung, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc bởi trong các cuộc hội đàm, lãnh đạo cấp cao của hai nước đều thống nhất cao trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc.

Và đây là cơ hội rất tốt để các bộ ngành căn cứ vào thống nhất của hai lãnh đạo cấp cao để đạt được đàm phán, để những loại trái cây đang chuẩn bị được ký kết sẽ được ký kết sớm.

“Những loại rau quả đã ký rồi sẽ tăng lượng xuất khẩu, đồng thời tăng cường, mở rộng thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng cả về chất lượng và giá trị để xuất khẩu bền vững” – ông Hoàng Trung nói và cho biết Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương, các doanh nghiệp duy trì đáp ứng các điều kiện về cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng, đảm bảo không vi phạm các yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Hiện Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị của bộ tăng cường đàm phán với cơ quan chuyên môn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để nhanh chóng ký kết các nghị định thư. Trong đó có bảy loại trái cây cần chuẩn hóa lại để ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch như dưa hấu, mít…

Ngoài ra, tập trung đàm phán ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với một số loại trái cây có múi và dừa.

“Nếu làm được điều này, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc sẽ ngày càng bài bản, thuận lợi và bền vững” – ông Trung nói.

Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với xoài và thanh long tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản từ 1-8-2023.

Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo 8 triệu tấn, thu 4 tỉ USD

Liên quan tới tận dụng cơ hội cũng như đảm bảo gạo xuất khẩu trong bối cảnh nhiều nước đang tăng nhập khẩu do El Nino, ông Nguyễn Như Cường – cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – cho biết diện tích trồng trọt đang bị thu hẹp, đặc biệt cây lúa đang chịu tác động mạnh. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang mục đích khác khiến diện tích lúa giảm dần.

Tuy nhiên, nhờ tiến bộ khoa học công nghệ về giống, các quy trình canh tác kỹ thuật tốt và có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn đảm bảo lúa gạo cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu trong giai đoạn El Nino 2024-2025.

“Từ bài học kinh nghiệm giai đoạn 2015-2016 và 2019-2020, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tình hình nguồn nước ở mỗi địa phương để có kế hoạch bố trí cơ cấu thời vụ, chọn giống phù hợp, điều tiết thủy lợi… từ đó đảm bảo ít bị thiệt hại nhất, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, ông Cường chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhờ làm tốt công tác giống, áp dụng cơ giới hóa cùng trình độ thâm canh của nông dân nên năng suất lúa liên tục tăng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Năng suất lúa bình quân tại đồng bằng sông Cửu Long có vụ đạt 7,21 tấn, thậm chí ở Bình Định đạt tới 8,1 tấn/ha – mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua. Năm 2023 nhuận hai tháng 2, nhiều người dự báo lúa sẽ mất mùa nhưng năng suất lúa bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha.

Không chỉ gạo được chế biến sâu, mọi phụ phẩm từ nghề trồng lúa như rơm, vỏ trấu đều được sử dụng hết. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu trên 7,1 triệu tấn gạo, thu xấp xỉ 3,5 tỉ USD. Các nước ASEAN đều bày tỏ sự quan tâm tới an ninh lương thực, nhu cầu mua tích trữ tăng cao.

“Do đó, ngoài khoảng 20 triệu tấn để tiêu thụ trong nước, năm nay xuất khẩu gạo chắc chắn đạt 8 triệu tấn, thu về trên 4 tỉ USD, tăng mạnh so với năm ngoái” – Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Cũng theo ông Tiến, nhiều loại rau quả, cà phê, gạo, điều… là những mặt hàng vẫn còn tiềm năng lợi thế xuất khẩu ở các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, cần tập trung mở cửa, khai thác tối đa.

“Tùy cơ cấu thị trường và ngành hàng, từ nay đến cuối năm bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 54 – 55 tỉ USD” – ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết bên cạnh khó khăn về nhu cầu giảm, các thị trường đều đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là châu Âu luôn dẫn dắt các quy định về an toàn thực phẩm, quy định về IUU và quy định sản xuất chống mất rừng…

“Do vậy, ngoài yếu tố về thương mại chúng ta cần chú trọng vào các vấn đề minh bạch trong truy xuất nguồn gốc” – ông Tiệp nói.

Khuyến khích tận dụng mạng xã hội để quảng bá nông sản

Ngày 5-7, tại hội nghị triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu.

Dẫn trường hợp Bắc Giang chủ động kết nối nhiều hình thức mới lạ, thu hút sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để xúc tiến tiêu thụ vải thiều, ông Hoan cho rằng đây là một gợi ý để nhiều địa phương khác có thể khai thác tốt các nền tảng mạng xã hội trong giao dịch, góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông sản của địa phương và của quốc gia.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết một số cây trồng như cà phê, sầu riêng hoàn toàn có thể xây dựng được thương hiệu.

“Tới đây chúng tôi sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn. Cùng với các đơn vị xây dựng, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đồng thời phối hợp doanh nghiệp và Bộ Công Thương để xây dựng thương hiệu một số loại nông sản” – ông Cường nói.

 

Xuất khẩu trái cây hướng mục tiêu 10 tỉ USD

Ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho rằng xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20-6 vừa qua đã đạt 2,7 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính đến hết tháng 6, con số này có thể xấp xỉ 3 tỉ USD, trong đó có sự đóng góp rất lớn của trái sầu riêng xuất khẩu

Tuy nhiên, theo ông Nguyên, xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể đạt 10 tỉ USD/năm do còn nhiều tiềm năng rất lớn. Ngoài sầu riêng, các loại trái khác như chuối, mít… đang tăng trưởng rất tốt ở các thị trường. Dù sản lượng thanh long giảm do người dân phá vườn thanh long để trồng các loại cây ăn trái khác, nhưng kim ngạch xuất khẩu cũng đáng kể.

“Nếu cứ giữ đúng chất lượng rau quả, khai thác tốt các thị trường, tôi tin kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh”, ông Nguyên nói. Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu trái cây tại đồng bằng sông Cửu Long cũng cho biết dù tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi, nhưng hàng xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật, Hàn… tăng trưởng rất tốt.

“Doanh nghiệp có lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu dứa MD2, sản phẩm được thế giới ưa chuộng nên sắp tới sẽ mở rộng chào bán ở nhiều thị trường khác”, vị này nói và cho biết doanh nghiệp xuất 30 container dứa mỗi tháng với doanh thu đạt 18 triệu USD/năm và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2023 sẽ tăng 20%.

PV
Theo: tuoitre
Spread the love
Back To Top