Các lễ hội Xuân được tổ chức rộn ràng, vui tươi với nhiều nét mới

Nhờ thực hiện chuyển đổi số, tình trạng trốn vé, chèo kéo khách hàng, xin thêm tiền… tại Lễ hội Chùa Hương hầu như không còn, giúp du khách trải nghiệm một lễ hội an toàn, văn minh và thân thiện.

                                                                                                          Du khách thập phương về trẩy hội Chùa Hương 2024. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tháng Giêng là thời điểm các lễ hội Xuân được tổ chức trên khắp cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng, làm cho khí Xuân thêm nồng, sắc Xuân thêm thắm đượm.

Rộn ràng hội Xuân với nhiều nét mới

Ghi nhận tại nhiều địa phương, các lễ hội Xuân được tổ chức rộn ràng, vui tươi với nhiều nét mới.

Lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) hằng năm đón hàng triệu lượt du khách tới du Xuân và chiêm bái.

Mùa lễ hội năm nay, nhằm xóa bỏ nạn chèo kéo, xin thêm tiền khách đi đò.., lần đầu tiên, Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương được thành lập với sự tham gia của hơn 4.000 thuyền, đò chở khách đi lễ hội. Hợp tác xã điều hành vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định thông qua hình thức số hóa.

Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương tiếp tục bán vé điện tử, tạo thuận lợi cho du khách, lực lượng chức năng, tránh vé giả, vé lậu; tổ chức bán vé thắng cảnh, vé xuồng, đò, trông giữ phương tiện tại các bến, bãi để xe. Xe điện được sử dụng, đưa du khách từ các bến xe vào bến đò theo lộ trình với 3 tuyến đón, trả khách vào khu vực bến Yến.

Tất cả địa điểm tham quan đều được gắn mã QR, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin về lễ hội. Nhờ thực hiện chuyển đổi số, năm nay, tình trạng trốn vé, chèo kéo khách hàng, xin thêm tiền… hầu như không còn, giúp du khách trải nghiệm một lễ hội an toàn, văn minh và thân thiện.

Những ngày đầu Xuân, người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) phấn khởi hòa mình trong không khí Lễ hội Xôi truyền thống. Niềm vui nhân đôi khi Nghề xôi Phú Thượng chính thức được ghi tên vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, Lễ công bố Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia là dịp để tôn vinh di sản; ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cơ quan và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống. Qua đó, thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đã thành thông lệ, vào dịp đầu Xuân, thành phố Hải Phòng lại tổ chức Lễ hội Khai bút. Năm nay, lễ hội được tổ chức tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) để tri ân Đức Mạc Thái tổ và các Tiên đế Vương triều Mạc đã có công lớn trong phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước như Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thị Duệ… Lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, thu hút du khách đến Kiến Thụy, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tham gia lễ hội, em Vũ Thị Ngọc Hà (Trường Trung học Cơ sở Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy) chia sẻ em vinh dự khi được đại diện các bạn khối lớp 7 tham dự lễ hội năm nay để hiểu thêm về lịch sử và có thêm động lực để học tập tốt hơn.

Nhiều năm nay, Lễ hội Lồng Tồng được xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức dịp đầu năm nhằm gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, qua đó khẳng định tinh thần đoàn kết, gắn bó của các cộng đồng dân cư.

Lồng Tồng trong tiếng Tày, Nùng có nghĩa là xuống đồng, là hội cầu mùa được đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc đón chờ nhất trong năm. Dịp này, đồng bào mặc những bộ quần áo đẹp nhất cùng tụ họp vui chơi trên khoảng đất rộng trong làng. Lồng Tồng là lễ báo cáo thành quả năm qua với thần Nông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, mùa vụ bội thu, nhà nhà no đủ, vạn vật sinh sôi…

Ông Lưu Văn Phượng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Nhơn chia sẻ: “40 năm qua, nhân dân các dân tộc trong xã đã đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương mới ngày một giàu đẹp. Trên quê hương mới Đạ Tẻh, người Tày, Nùng cùng các dân tộc anh em không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi gian khó ban đầu, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.”

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn tái hiện truyền thống “Dĩ nông vi bản” (Lấy nghề nông làm gốc). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trong không khí vui tươi của những ngày đầu Xuân, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam) được tổ chức mang đến khí thế lao động mới, khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp; cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Năm nay, lễ hội có nhiều thay đổi nhằm phát huy không gian lễ hội, hấp dẫn và thu hút du khách. Cùng với những nghi lễ chính như Lễ cáo yết, rước kiệu, rước nước, sái tịnh, cầu an…, các hoạt động như thi vẽ, trang trí trâu, thể thao, văn nghệ, đấu vật, trò chơi dân gian, người dân và du khách còn được tham gia nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, sinh động. Đặc biệt, lần đầu tiên nhân dân và du khách thập phương có cơ hội trải nghiệm tại Hội thi cày do địa phương tổ chức.

Ban Tổ chức đã giảm thiểu các nghi thức hành chính; bố trí nhiều gian hàng phục vụ nhân dân, du khách tham quan, mua sắm các nông sản, sản phẩm đặc trưng và OCOP của Hà Nam.

Hướng tới mùa lễ hội văn minh, an toàn, lành mạnh

Đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, trong đó yêu cầu tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khai hội lễ truyền thống, dân gian ngay sau Tết, bảo đảm an toàn, văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm theo Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 29/1/2024, nhất là vi phạm về thu, quản lý tiền công đức và đốt vàng mã (nếu có).

Các địa phương tăng cường quản lý điểm đến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân. Các cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống tuyên truyền, vận động du khách thực hiện nghiêm “đã uống rượu bia, không lái xe.”

Đặc biệt, năm 2024, lần đầu tiên toàn quốc thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Bộ tiêu chí khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, Ban Tổ chức lễ hội trên cả nước tăng cường quản lý lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Việc sử dụng Bộ tiêu chí hướng tới chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; là công cụ, thước đo đánh giá năng lực quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội. Từ đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có gần 9.000 lễ hội truyền thống. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng lễ hội truyền thống nhiều nhất khu vực và châu lục. Nhiều lễ hội thu hút du khách gần xa như Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Khai ấn đền Trần, Lễ hội Chợ Viềng, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Gióng, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Tịch điền…

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra phương án trọng tâm, trọng điểm, dự báo với hoạt động lễ hội tại địa phương.

Nhiều nơi đã ban hành kế hoạch xuyên suốt, tổng thể cho hoạt động lễ hội chung; chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng kịch bản, kế hoạch, phương án khả thi để đảm bảo hoạt động lễ hội an toàn, lành mạnh.

Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất cả nước, với khoảng 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Trước khi bước vào mùa lễ hội, các quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức, đưa vào những hoạt động mới mang tính sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn của lễ hội.

Đoàn rước ông Mo lên làm lễ cúng ở đền Đông Cuông, Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết Sở đã đề nghị các địa phương chuẩn bị thật chu đáo cho mùa lễ hội 2024. Phần lễ phải tuân thủ quy định truyền thống của địa phương; tổ chức trang trọng, chuyên nghiệp thể hiện giá trị riêng có của địa phương. Phần hội thể hiện rõ bản sắc văn hóa của địa phương hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng.

Các địa phương thực hiện tốt “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành; quan tâm bảo đảm vệ sinh môi trường; an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra, duy trì nét đẹp của lễ hội…

Tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 390 lễ hội, chủ yếu thuộc các loại hình lễ hội truyền thống, văn hóa, ngành nghề. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phối hợp, chỉ đạo phòng chuyên môn và Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, tổ chức lễ hội Xuân.

Các đơn vị tích cực kiểm tra, giám sát khi tổ chức lễ hội, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; bảo vệ, giữ gìn di tích./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top