Điểm danh 5 cung đường không thể bỏ lỡ đối với ‘tín đồ trekking’ ở miền Bắc

Bên cạnh những thử thách mà du khách chinh phục trên các con đường trekking thì cảnh sắc thiên nhiên tại miền sơn cước phía Bắc cũng khiến những người đặt chân tới đây phải nao lòng.

Hơn cả một chuyến đi khám phá thiên nhiên, trekking mang lại cho người trẻ cảm giác được trải nghiệm, chinh phục và vượt qua giới hạn của bản thân. Đồng thời, đó cũng là những kỷ niệm, những dấu ấn đẹp trong hành trình tuổi trẻ của mỗi người. Hãy cùng chúng tôi ‘điểm mặt’ những cung đường trekking tuyệt đẹp tại miền Bắc.

Cung đường Lảo Thẩn – Lào Cai

Cung đường lên đỉnh Lảo Thẩn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nằm ở độ cao 2.826m so với mực nước biển, Lảo Thẩn thuộc thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lảo Thẩn còn được biết đến với những tên gọi khác như: Hâu Pông San hay Nhìu Cồ San bố và được mệnh danh là “nóc nhà Y Tý”. Những trekker nhiều kinh nghiệm từng chinh phục cung đường này chia sẻ, “nóc nhà Y Tý” thu hút bởi vẻ đẹp hùng vĩ, núi non gai góc, hiểm trở.

Trên hành trình chinh phục cung đường này, du khách sẽ được chứng kiến và trải nghiệm rất nhiều cảnh sắc thiên nhiên, con người cũng như nét đẹp văn hóa nơi đây. Đó là những con đường thấp thoáng bóng dáng đồng bào dân tộc Hà Nhì, là những cánh rừng đậm mùi cây cỏ cháy, là những vạt hoa đỗ quyên đỏ rực rỡ trong cái nắng chiều nơi núi rừng… Những vẻ đẹp ấy đã hòa quyện lại, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của cung trekking miền Bắc này.

Cảnh hoàng hôn đẹp mê hồn trên đỉnh Lảo Thẩn (Lào Cai). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, khi chinh phục cung đường Lảo Thẩn, du khách nên bố trí thời gian hợp lý để có thể ngắm mặt trời mọc và hoàng hôn lúc xế chiều. Nơi này được biết đến là nơi mặt trời mọc sớm nhất và hoàng hôn xuống núi cũng muộn nhất ở Y Tý, Lào Cai.

Cung đường lên đỉnh Tà Xùa

Đỉnh “sống lưng khủng long” – nơi mà các trekker thường lấy làm mục tiêu khám phá, chinh phục. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính từ bản Tà Xùa (Bản Công, Trạm Tấu, Yên Bái), dãy Tà Xùa nằm giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La. Nơi đây cũng được xếp vào danh sách những cung trekking miền Bắc đáng tới nhất trong số những cung đường trekking ở miền Bắc.

Tà Xùa được biết đến với 3 đỉnh, gồm đỉnh cắm cờ Việt Nam, cao 2.850m; đỉnh có cột cờ cũ từ thời Pháp và đỉnh “sống lưng khủng long” – nơi mà các trekker thường lấy làm mục tiêu khám phá, chinh phục.

Đến Tà Xùa săn mây, du khách sẽ ngỡ như mình đang lạc giữa tiên cảnh, bởi tầm nhìn hướng ra một biển mây trắng bồng bềnh, mênh mông đổ về núi, vô cùng huyền ảo.

Để chinh phục Tà Xùa, du khách có thể chọn xuất phát bằng hai cách: từ bản Tà Xùa hoặc từ Bắc Yên. Điểm chung của cả hai con đường này đều là rất hiểm trở, gia nan với những vách đá cheo leo, dựng đứng. Tuy nhiên, chính những hiểm trở ấy đã làm nên sức hút của cung đường này, nhất là với những du khách trẻ đam mê chinh phục thì càng bị thu hút hơn bởi cảm giác vượt qua được giới hạn bản thân.

'Biển mây' hiện hữu dưới chân, ngút ngàn tầm mắt khi du khách chinh phục đỉnh Tà Xùa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo nhiều trekker nhận xét, cung đường này còn hấp dẫn bởi vẻ đẹp mê mẩn, lãng mạn của bạt ngàn hoa trên những cung đường ‘hiểm nguy.’ Có lẽ những mảng màu rực rỡ này đã góp phần làm nên sự hấp dẫn, thú vị của cung trekking miền Bắc này.

Cung đường trekking Bạch Mộc Lương Tử

Cung đường trekking được các tín đồ đặt tên là 'thiên đường hạ giới.' (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, Bạch Mộc là đỉnh núi cao thứ 4 trong số các ngọn núi ở nước ta, với độ cao 3.046m. Nhắc tới Bạch Mộc Lương Tử người ta thường nhớ tới cụm từ “bình minh trên mây” bởi khi chinh phục được chặng đường đầy gian khó này, du khách sẽ được thả hồn theo những áng mây.

Theo nhiều người có kinh nghiệm chinh phục Bạch Mộc Lương Tử nói riêng và những cung đường trekking đẹp nhất miền Bắc nói chung chia sẻ, đây là cung trekking miền Bắc sở hữu địa hình phức tạp hơn rất nhiều cung đường trekking khác. Bởi vậy, du khách cần đảm bảo thể lực thật tốt trước khi có ý định chinh phục hành trình này.

Cung đường trekking trên Bạch Mộc hiểm trở được bao phủ bởi mây. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để hoàn thành được việc chinh phục cung đường này, du khách có thể bắt đầu từ hai tỉnh Lào Cai hoặc Lai Châu và phải vượt qua những chặng đường đầy khó khăn. Đặc biệt, từ đỉnh núi Muối cho tới 30 km còn lại lên đỉnh Bạch Mộc sẽ là một hành trình vô cùng khó khăn, hiểm nguy bởi dốc cao, vách núi dựng, vực sâu…

Đỉnh Lùng Cúng

Hoàng hôn trên đỉnh Lùng Cúng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đỉnh Lùng Cúng được lấy theo tên của một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất. Tọa lạc tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Thông thường, các du khách sẽ phải mất khoảng 2 ngày 1 đêm để chinh phục được cung trekking miền Bắc có độ cao 2.913m này.

Có 3 hướng để leo lên khám phá đỉnh Lùng Cúng chính là xuất phát từ bản Tu San, bản Thào Xa Chải hoặc bản Lùng Cúng.

Biển mây trên đỉnh Lùng Cúng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chuyến đi sẽ gian nan, vất vả nhưng bù lại du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan tươi đẹp, vô cùng phong phú và đa dạng. Đó có thể là những đồi cỏ lau bạt ngàn, phấp phới trong gió, rừng tre trúc đẹp mê hay khu rừng cổ thụ nguyên sơ. Tất cả đều tạo nên những nét đẹp độc đáo ở Tây Bắc.

Pusilung

Các trekker chinh phục ngọn núi Pusilung (Lai Châu). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Pusilung là ngọn núi nằm ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời, thuộc vào địa phận của xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Với độ cao 3083 m, Pusilung chỉ xếp hàng thứ 3 nhưng lại là đỉnh núi được các trekker đánh giá là khó chinh phục nhất vì hành trình quá dài.

Để đến núi này ở phần Việt Nam, du khách cần xin giấy phép tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu tại thành phố Lai Châu. Sau đó giấy sẽ được trình báo ở đồn biên phòng xã Pa Vệ Sử, tại đây sẽ bố trí người dẫn đến núi.

Hành trình khám phá đầy thử thách tại đỉnh Pusilung

Theo chia sẻ của nhiều trekker, đỉnh núi Pusilung huyền thoại luôn là điểm đến trong mơ của các phượt thủ ưa khám phá./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top