Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, vài năm trở lại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày tại huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng với sự hỗ trợ của chính quyền cả về vốn và kinh nghiệm làm du lịch.

Cách đây ít năm, gia đình bà Dương Thị Chinh ở thôn Hoan Trung, xã Chiến Thắng (Bắc Sơn) đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất từ chăn nuôi sang phát triển du lịch. Ngoài số tiền hơn 20 triệu đồng được UBND huyện Bắc Sơn hỗ trợ để mua chăn, ga, gối, đệm, gia đình bà Dương Thị Chinh còn được tập huấn, bồi dưỡng kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, hỗ trợ kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn… Đến nay, homestay của gia đình bà Chinh đã trở thành một trong những địa điểm thường xuyên thu hút đông du khách lưu lại khi đến tham quan, trải nghiệm tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. Mô hình du lịch này đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Chinh vào khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm.

Vừa nhanh tay chuẩn bị bữa trưa cho khách, bà Dương Thị Chinh vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, giống như phần lớn các hộ khác trong thôn, cuộc sống gia đình tôi hoàn toàn dựa vào mảnh nương, thửa ruộng. Từ khi chuyển sang phát triển du lịch cộng đồng, tôi thấy làm cũng nhàn hơn, khách họ về đông thì mọi người trong nhà đều có việc để làm. Thu nhập thì cũng hơn làm nông nghiệp nhiều. Lúc cao điểm, có khi thu nhập từ việc đón khách du lịch trong 2 đến 3 tuần là đã bằng cả năm làm ruộng nương rồi”.

Nhiều hộ đồng bào người Tày ở huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tìm hiểu được biết, gia đình bà Dương Thị Chinh là một trong số hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao Bắc Sơn đã thành công với việc tham gia phát triển các loại hình du lịch. Mở đầu chỉ với một vài gia đình, đến giữa năm 2023, huyện Bắc Sơn có gần 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội. Đến với du lịch Bắc Sơn, du khách thập phương có cơ hội được trải nghiệm thi gặt lúa, giã gạo bằng công cụ thô sơ; chèo bè tre chụp ảnh hoa sen và thung lũng vàng; trải nghiệm làm và thưởng thức bánh chưng đen; trải nghiệm làm ngói máng; trải nghiệm hát Then; tham quan vùng cây thuốc của đồng bào dân tộc Bắc Sơn;… Trong đó, nét độc đáo của du lịch cộng đồng ở Bắc Sơn đó là đã luôn gắn du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa. Vì vậy, đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài sức hút của thiên nhiên hùng vĩ, điều khiến du khách tò mò, ấn tượng hơn cả còn là cách làm du lịch độc đáo, mang nét riêng của người Tày xứ Lạng, rất mộc mạc, chân chất, thật thà.

Anh Nguyễn Thành Chung, một khách du lịch đến từ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi đến tham quan các điểm du lịch tại Bắc Sơn. Lần đầu đi cùng bạn học đồng khóa; lần này đi cùng vợ con gia đình. Tôi rất ấn tượng với phong cảnh nơi đây. Điển hình nhất là khu hang động trong khu Suối Mắm hiện vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, kỳ ảo. Bên cạnh đó, một điểm đến khác không kém phần đặc sắc là Vườn quýt Hang Hú, khu Bắc Sơn Hoa,… Đặc biệt, những món ẩm thực ở Bắc Sơn mang đậm hương vị của đồng bào dân tộc địa phương cùng tấm lòng nhiệt tình, hiếu khách của bà con cũng khiến tôi không thể quên”.

Thực tế thời gian qua, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở huyện Bắc Sơn đã và đang bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Sơn luôn có nhiều tour, điểm du lịch này luôn thu hút đông đảo lượng khách trong, ngoài tỉnh và ngoài nước đến tham quan. Tiêu biểu có thể kể đến các tour tham quan làng du lịch cộng đồng, tour tham quan vườn quýt và tham quan suối Mỏ Mắm, tour du lịch khám phá tại thôn Tiến Hậu (Nhất Tiến) và 16 điểm du lịch đang thu hút đông đảo khách du lịch như: vườn chanh leo (Mỏ Hao), khu Mỏ Mắm, vườn quýt Hang Hú (xã Chiến Thắng), vườn quýt của các xã Vũ Sơn, Nhất Hòa; vườn nho ở xã Long Đống, Chiến Thắng; hang động KeengTao (thôn Hoan Trung 1, xã Chiến Thắng);…

Du khách tham quan hang động tại khu suối Mỏ Mắm ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác các tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, văn hóa trên địa bàn huyện Bắc Sơn những năm qua cho thấy, đây thực sự là một hướng đi đúng đắn, giúp đem lại nguồn thu nhập cho những hộ dân vốn ngày xưa chỉ dựa vào nông nghiệp, giờ đã chuyển sang làm dịch vụ một cách bài bản hơn. Với những lợi thế, tiềm năng thiên nhiên phong phú của huyện như hang động, sông suối, hệ thống di tích lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đã và đang giúp người dân Bắc Sơn thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Theo đồng chí Dương Thị Thép, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn, hướng vào phát huy những tiềm năng, lợi thế vốn có, địa phương đang thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con. Theo đó, huyện khuyến khích người nông dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, làm ra sản phẩm đặc sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ và từ đó tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt, quá trình triển khai Đề án phát triển du lịch huyện Bắc Sơn giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025, UBND huyện xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng du lịch sẽ vào khoảng 870 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dành cho đầu tư hạ tầng du lịch; đầu tư thực hiện xúc tiến, quảng bá; hỗ trợ các hoạt động phát triển làng du lịch cộng đồng; đầu tư xây dựng khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của huyện; xây dựng một số khu du lịch sinh thái trên địa bàn một số xã có tiềm năng,… Bên cạnh đó, UBND huyện đã và đang tổ chức xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn; kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, nông nghiệp và sinh thái.

Song song với đó, huyện tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu vực nông thôn, đặc biệt là hạ tầng các xã đã và đang có những hoạt động phát triển du lịch. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các hộ dân tiếp cận các nguồn tín dụng để làm du lịch; hỗ trợ hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, nâng cao năng lực cộng đồng; thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản,…

Sự vào cuộc của các cấp các ngành, nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Bắc Sơn cùng sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trong huyện, sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với khai thác các tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, văn hóa tiếp tục là điểm nhấn, bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của huyện Bắc Sơn. Qua đó, vừa giúp khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vốn có, vừa tăng thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện./.