Hà Nội đổi mới, đa dạng hóa các mô hình để thu hút khách du lịch

Để thu hút du khách, lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành, địa phương đổi mới hình thức, nội dung và đa dạng hóa các mô hình, đồng thời yêu cầu các ngành phối hợp để hỗ trợ ngành du lịch.

Du khách trải nghiệm du lịch bằng xích lô quanh hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hà Nội là Thủ đô của đất nước nên có thế mạnh trong thu hút khách du lịch.

Thành phố cũng được xem là “cửa ngõ” đón du khách quốc tế khi bắt đầu các chuyến tham quan tại nhiều địa phương trong cả nước.

Do đó, Hà Nội luôn xác định du lịch là lĩnh vực quan trọng, là ngành kinh tế mũi nhọn bởi hàng năm đóng góp cho ngân sách một khoản thu rất lớn.

Để thu hút du khách, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương đổi mới hình thức, nội dung và đa dạng hóa các mô hình, đồng thời yêu cầu các ngành phối hợp để hỗ trợ ngành du lịch.

Ngành công thương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng các vùng chuyên canh, có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao; xây dựng các làng nghề tham quan trải nghiệm, kết hợp bán sản phẩm đặc sắc.

Có thể kể đến các làng nghề như Làng tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), làng mộc Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), làng nghề khảm trai (huyện Phú Xuyên)…

Rực rỡ sắc lụa tại Tuần Văn hóa Du lịch, Thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. (Ảnh: TTXVN phát)

Hà Nội cũng là địa phương có nhiều chùa, đình, lễ hội truyền thống văn hóa bậc nhất của cả nước, hằng năm thu hút hàng triệu người tới tham quan.

Các di tích lịch sử trên địa bàn tổ chức tiếp đón các cơ quan, đoàn thể và nhân dân đến dâng hương, tham quan tất cả ngày trong tuần.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các di tích tại Hà Nội đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách, đạt 47,5%; doanh thu phí tham quan là 70,4 tỷ đồng, đạt 93,9% kế hoạch năm.

Thành phố tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Trong những tháng đầu năm 2024, các đơn vị nghệ thuật tổ chức biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân với 185 buổi diễn, thu hút 60.100 lượt khán giả; doanh thu 4,5 tỷ đồng. Thành phố đã tổ chức 770 buổi biểu diễn thu hút 212.400 lượt khán giả; doanh thu 19,6 tỷ đồng.

Tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học” gây ấn tượng mạnh đến du khách và được coi là một trong những sản phẩm tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bốn tháng đầu năm 2024, Bảo tàng Hà Nội đã đón 39.700 lượt khách. Tại đây tiếp tục duy trì các trưng bày chuyên đề, triển lãm như: “Hà Nội – Đất trăm nghề” tại khu nhà phố cổ; các mẫu vật thiên nhiên Hà Nội; “Hà Nội 1972 – khát vọng hòa bình;” không gian nghệ thuật sáng tạo và triển lãm nghệ thuật chủ đề “Ego – người;” “Bác Hồ với Hà Nội” và “Không gian nghệ thuật Sen thư pháp”…

Thư viện Hà Nội phục vụ bạn đọc tại chỗ, cho mượn về nhà và qua không gian mạng với số lượng trên 500.000 lượt người, tăng 51,8%; phục vụ hơn 1,2 triệu lượt tài liệu, tăng 50,2% so với cùng kỳ 2023.

Nhờ đổi mới nhiều hình thức quảng bá hình ảnh du lịch, thời gian qua, khách du lịch đến Hà Nội tăng mạnh.

Bốn tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến địa bàn ước đạt gần 1,576 triệu lượt, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2023; khách du lịch nội địa đạt 571.000 lượt, tăng 19,1%.

Thành phố hiện có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71.200 phòng; trong đó 607 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao với 26.600 phòng (chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch).

Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút đông đảo du khách và người dân đến tham quan và mua sắm./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top