Lễ cầu mưa là một trong những nghi thức tín ngưỡng lâu đời đặc trưng gắn với lao động sản xuất của đồng bào Bahnar ở huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Tái hiện nghi lễ cầu mưa của đồng bào Bahnar ở làng Hnap, xã K'Dang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Trên vùng đất cao nguyên hùng vĩ, nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa, trong chuỗi các nghi lễ dân gian, Lễ cầu mưa là một trong những nghi thức tín ngưỡng lâu đời đặc trưng gắn với lao động sản xuất của đồng bào Bahnar ở Gia Lai.
Nghi lễ này thường được tổ chức vào tháng Tư, tháng Năm hằng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mong cho dân làng có sức khỏe tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là nghi lễ độc đáo, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc bản địa ở Gia Lai.
Nhằm bảo tồn và phát huy nghi lễ tâm linh độc đáo này, mới đây, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã K’Dang tổ chức phục dựng Lễ cầu mưa tại khu vực giọt nước của làng Hnap.
Ngay từ sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện sau rặng núi, cũng là lúc dân làng Hnap tập trung tại khu vực giọt nước để chuẩn bị cho nghi lễ. Hội đồng già làng, bao gồm các bậc cao niên đáng kính khoác lên mình bộ trang phục truyền thống bắt đầu trang trí cây Nêu và chuẩn bị các lễ vật gồm rượu ghè, gà, thịt heo để dâng lên thần linh.
Khi mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ, hội đồng già làng chậm rãi cử hành lễ cúng. Già Bác, người chủ lễ cầm lá vẫy ba lần rồi khấn mời các vị thần núi (Yang Kông), thần nước (Yang Đak) về chứng giám cho lòng thành của dân làng. “Hỡi các vị thần linh! Chúng con dâng lên những lễ vật này, cầu xin các thần luôn che chở cho mọi người trong làng có sức khỏe để lao động sản xuất. Cầu mong các vị thần mang mưa tưới mát cho đồng ruộng, nương rẫy, cho cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm,” già Bác cầu khấn.
Phần lễ kết thúc, phụ nữ trong làng thực hiện nghi thức lấy nước vào bầu khô tại giọt nước của làng, với mong muốn nguồn nước luôn dồi dào, tuôn chảy. Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức rượu cần, chia sẻ những câu chuyện vui xen lẫn những tiếng cười rộn rã.
Chị A Ngai, một người dân trong làng chia sẻ tôi đến đây với mong muốn trời ban cho chúng tôi một mùa mưa tốt lành, giúp mùa màng tươi tốt, cho cuộc sống ấm no.
Ông Ngop, thành viên hội đồng già làng Hnap cho biết đối với cộng đồng dân tộc Bahnar, lễ cầu mưa là nghi lễ vừa thể hiện tấm lòng của dân làng đối với các vị thần linh; đồng thời cũng thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên của làng, tạo nên sức mạnh của cộng đồng.
Do sự thay đổi tín ngưỡng và phương thức sản xuất, nghi lễ cầu mưa của người Bahnar đã lâu không được tổ chức. Khác với các nghi lễ truyền thống, Lễ cầu mưa của người Bahnar không có cồng chiêng và múa xoang. Thay vào đó, hội đồng già làng và người uy tín chú trọng vào phần lễ vật, bài cúng và nghi thức lấy nước vào bầu khô sau khi kết thúc phần lễ.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa, việc phục dựng nghi thức, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc.
Ông Đinh Ơng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa, khẳng định nghi lễ này là “sức mạnh của cộng đồng, giúp người dân vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.” Việc phục dựng Lễ cầu mưa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Bahnar của làng Hnap nói riêng và trên địa bàn huyện Đak Đoa nói chung, từ đó giúp người dân có ý thức gìn giữ di sản và tiếp tục phát triển trong cộng đồng.
Lễ cầu mưa của dân tộc Bahnar không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một lời nhắc nhở về mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Đây là một di sản văn hóa quý giá cần được gìn giữ và trân trọng, góp phần làm nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của Việt Nam./.