Với diện tích gần 5.000ha, Hưng Yên được xem là thủ phủ nhãn lồng của cả nước. Ngoài phát triển kinh tế từ nhãn, người dân nơi đây đang biến các vườn nhãn thành các điểm du lịch trải nghiệm khiến du khách rất hào hứng, thích thú khi đến đây.
Đến Hưng Yên vào mùa nhãn chín mới cảm nhận được hết được sự gắn bó giữa cây nhãn với đời sống người dân nơi đây. Trong mỗi nhà vườn, những cây nhãn cao từ 3 – 5m, vỏ sù sì màu nâu thẫm, từng chùm nhãn nặng trĩu cành, quả màu nâu nhạt, tròn trịa. Mùa nhãn lồng ở Hưng Yên kéo dài khoảng 3 tháng với 3 đợt thu hoạch chính. Đợt 1 là nhãn sớm thu hoạch từ ngày 20 – 30/7; đợt 2 là nhãn chính vụ từ ngày 7 – 15/9; đợt 3 là nhãn chín muộn thu hoạch đến hết tháng 10 dương lịch.
Dù có được mùa quả hay không, nhưng mùa nhãn chín hằng năm vẫn luôn mang đến cho vùng đất Hưng Yên nguồn lợi không nhỏ về kinh tế và những giá trị tiềm năng về phát triển du lịch thăm quan, trải nghiệm nông nghiệp.
Hưng Yên phát triển du lịch nông nghiệp
Những ngày tháng 8, xuôi theo triền đê tả sông Hồng về phố Hiến, khách thăm quan sẽ gặp khung cảnh những rặng nhãn lồng xanh tốt, sai trĩu quả, trải dài ngút ngàn tầm mắt, tạo nên nét riêng có của miền quê Hưng Yên. Vùng trồng nhãn Phố Hiến nổi tiếng với thương hiệu “nhãn tiến vua”, vốn được trồng trên địa bàn các xã Hồng Nam, Quảng Châu (phường Hồng Châu). Đa số giống nhãn lồng đang trồng tại những địa phương này đều có một phần bộ gen từ giống nhãn quý có từ thế kỷ thứ XVI.
Không chỉ mang tới mùa quả ngọt, những vườn nhãn hữu cơ tại xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, đang mở ra hướng đi mới – phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp – cùng đưa thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên bay xa, đến với du khách trong và ngoài nước.
Theo các chủ vườn, các nhà vườn thường mở cửa từ 8 – 18h, đón khách vào tất cả các ngày trong tuần. Đến vườn nhãn, bên cạnh việc thưởng thức những quả nhãn tươi ngon ngay tại vườn, khách tham quan còn có dịp tìm hiểu và khám phá các sản phẩm làm từ nhãn như: Long nhãn, mật ong, nghe những tiết mục hát trống quân, xem biểu diễn văn nghệ dân gian gắn với văn hóa địa phương.
Mô hình du lịch này đang có bước phát triển, góp phần đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm vẻ đẹp quê hương, con người Hưng Yên.