TP.HCM: Nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, tăng sức hút với du khách

Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng hình ảnh nhà hàng và cơ sở ăn uống chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển môi trường du lịch địa phương.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi toạ đàm. (Ảnh: Văn Phúc/TTXVN)

Ngày 3/11, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy (Công an Thành phố) tổ chức Tọa đàm trao đổi thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ và kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 16.000 nhà hàng và 15.800 quán ăn đường phố. Đây là tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, các cơ sở ăn uống còn nhiều vấn đề về chất lượng dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ và phục vụ khách hàng.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc xây dựng hình ảnh nhà hàng và cơ sở ăn uống thân thiện, chuyên nghiệp và mến khách giúp nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực; góp phần phát triển môi trường du lịch địa phương. Qua đó, giúp tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến du lịch của Thành phố, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Tọa đàm nhằm cập nhật kiến thức, quy định pháp luật mới và thực tế nhất trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ, kỹ năng phục vụ khách du lịch… cho đại diện đến từ hệ thống nhà hàng, cơ sở ăn uống trên địa bàn; góp phần cùng ngành Du lịch lan tỏa, quảng bá hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh “Văn minh-thân thiện-nghĩa tình.”

Báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn vẫn tồn tại nhiều bất cập về an toàn thực phẩm như thiếu kiến thức, chưa có sự giám sát thường xuyên về đảm bảo an toàn thực phẩm; sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi…

Phố đi bộ Bùi Viện là một trong những điểm đến của du khách thưởng thức món ăn đường phố. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngoài ra, tại cơ sở dịch vụ ăn uống, thời gian chế biến đến khi sử dụng thức ăn còn dài, dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm; sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc; thiếu sự giám sát từ cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng trên, ông Đỗ Đức Công, Phó Trưởng phòng Phòng chống ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, các ngành chức năng cần phối hợp liên ngành để có những biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như tăng cường công tác tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và nhân viên về quy định lưu mẫu thực phẩm, hồ sơ khám sức khỏe, đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, vận hành và duy trì hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm… Qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ và tạo niềm tin cho khách hàng…/.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top