Video về Việt Nam khám phá kiến trúc và lối sống ở Hà Nội, Thủ đô có lịch sử hơn 1.000 năm và Ninh Bình, nơi được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn”….
Nhà hát Lớn Hà Nội được giới thiệu trong video. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Trung tâm ASEAN-Hàn Quốc thông báo phát hành các video quảng bá du lịch ASEAN vào ngày 27/9 – Ngày Du lịch Thế giới.
Các video nhằm giới thiệu ASEAN cũng như tài nguyên văn hóa và du lịch đa dạng của khu vực đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Với chủ đề “Chuyến tham quan văn hóa và kiến trúc,” các video được sản xuất năm nay tập trung giới thiệu các kiến trúc và phong tục lối sống của Việt Nam, Campuchia, Indonesia.
Mỗi video bao gồm phần giới thiệu dài 5 phút về kiến trúc ở 2 thành phố của mỗi quốc gia, do Trung tâm và Tổ chức Du lịch quốc gia tương ứng của 3 quốc gia lựa chọn và phần bình luận dài 1 phút của nhà thiết kế kiến trúc kiêm nhà văn Oh Young-wook.
Video về Việt Nam khám phá kiến trúc và lối sống ở Hà Nội, Thủ đô có lịch sử hơn 1.000 năm và Ninh Bình, nơi được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn,” từ các địa danh như Nhà hát lớn và Nhà thờ lớn đến Bảo tàng Hà Nội, Nhà thờ Phát Diệm và chùa Bái Đính bao gồm phong cách cung đình cổ xưa, phong cách châu Âu và kiến trúc hiện đại bền vững đan xen. Video làm nổi bật đường phố Hà Nội và các dòng sông Ninh Bình.
Đối với Campuchia, video giới thiệu kiến trúc và văn hóa của Phnom Penh, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch của đất nước chùa tháp và Kampot, một thị trấn ven biển nổi tiếng với sản xuất hạt tiêu, sầu riêng và muối.
Video giới thiệu kiến trúc Khmer mới và kiến trúc hiện đại ở Phnom Penh; tính thẩm mỹ táo bạo của những kiến trúc ở Khu liên hợp thể thao quốc gia và Phsar Thmey (Chợ trung tâm); video cũng giới thiệu các không gian được tái tạo ở Cung điện Le Bokor ở Kampot thể hiện sự sáng tạo định hình tương lai của Campuchia.
Video Indonesia đề cập đến kiến trúc và văn hóa của Jakarta, thủ đô năng động của Indonesia, đồng thời là trụ sở của chính quyền trung ương và cấp tỉnh, là trung tâm chính trị, tài chính và thương mại.
Trong khi đó, thành phố Yogyakarta được coi là cái nôi của nền văn minh Java; từ kiến trúc Java cổ đại đến nguồn gốc của Jakarta tại Quảng trường Fatahillah, đến các biểu tượng bản sắc dân tộc và sự đa dạng văn hóa của Indonesia như Monas, Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal và Nhà thờ Jakarta, cũng như kiến trúc đương đại và không gian văn hóa nghệ thuật hiện đại.
Loạt video mới này nằm trong chương trình được khởi xướng năm 2019 có tên “Chuyến tham quan làm quen với ASEAN.” Chương trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Với việc khôi phục hoạt động du lịch trong thời kỳ hậu đại dịch, chương trình đã giới thiệu nhiều công trình kiến trúc và văn hóa khác nhau trực tiếp từ các nước thuộc khu vực ASEAN kể từ năm 2022 thông qua kênh YouTube của AKC (https://www.youtube.com/@akcsns).
Năm 2024, Trung tâm AKC sẽ tiếp tục phát hành các video quảng bá cho Brunei, Lào và Myanmar, hoàn thành chuỗi video “Chuyến tham quan văn hóa và kiến trúc” qua 10 quốc gia ASEAN./.