Chiều 30/8, tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông – Ảnh: TT. |
Cần hỗ trợ thêm cho giáo viên vùng sâu
Theo ông Lưu Văn Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông, sau 20 năm tái thành lập tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông có những bước tiến đáng ghi nhận, đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Ông Lưu Văn Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: TT. |
“Nếu như năm 2004, Đắk Nông chỉ có 174 cơ sở giáo dục, hơn 105.000 học sinh với gần 5.000 giáo viên, cán bộ quản lý, thì hiện đã có 367 cơ sở giáo dục, hơn 182.000 học sinh và trên 11.000 cán bộ quản lý, giáo viên”, ông Trung so sánh.
Tuy nhiên, ông Trung cũng đánh giá, khó khăn của giáo dục địa phương là vô cùng lớn, kéo dài nhiều năm, cần thẳng thắn để tháo gỡ.
Một trong những khó khăn nan giải nhất nhiều năm qua là số lượng học sinh tăng nhanh hàng năm, như năm học này cao hơn năm ngoái đến 7.000 em. Trong khi đó số lượng giáo viên luôn thiếu và vẫn phải tinh giản biên chế.
Theo kế hoạch năm học 2023-2024, toàn tỉnh cần 11.728 người, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là nỗi lo dai dẳng. “Mong rằng Bộ GD&ĐT và cấp có thẩm quyền xem xét, giao bổ sung cho tỉnh Đắk Nông 1.021 biên chế giáo viên để đảm bảo công tác dạy học”, ông Trung đề nghị.
Nói thêm về việc này, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu, là tỉnh có số lượng học sinh tăng nhanh, địa bàn phức tạp nên cuộc sống của nhà giáo gặp nhiều khó khăn.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: TT. |
“Mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương mới, trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả cao nhất trong bảng lương công chức, viên chức, tương xứng với những đóng góp của họ. Đặc biệt, có chính sách, chế độ phụ cấp phù hợp cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”, bà Hạnh nói.
Làm tốt từng việc một và trong điều kiện có thể, khả thi
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ GDĐT với giáo dục Đắk Nông nói riêng và giáo dục Tây Nguyên nói chung. Bởi theo Bộ trưởng, giáo dục với vùng Tây Nguyên không chỉ là giáo dục để phát triển con người, để cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội, mà giáo dục đối với Tây Nguyên còn là thể hiện tình cảm, là câu chuyện an ninh quốc gia, đoàn kết dân tộc, câu chuyện phát triển bền vững của vùng, của đất nước…
Bộ trưởng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đối với công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn Đắk Nông trong thời gian vừa qua – Ảnh: TT. |
Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của giáo dục Đắk Nông trong điều kiện của một địa phương còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh tới những việc phải làm trong thời gian tới để triển khai các nhiệm vụ lớn của ngành. Trong đó, trước hết “cần sự quan tâm ráo riết, sâu sát hơn nữa, quyết tâm chiến lược cao hơn nữa của tỉnh cho phát triển giáo dục”.
“Đắk Nông là tỉnh khó khăn, giáo dục đứng trước đầy thách thức nhưng theo tôi tỉnh càng nghèo, càng khó càng cần phải ráo riết, quyết tâm thúc đẩy giáo dục. Vì con đường để chúng ta thoát nghèo không gì khác phải bắt đầu bằng con đường đẩy mạnh giáo dục. Càng nghèo, càng khó chúng ta càng đặt vấn đề lối thoát ở nơi giáo dục”, nêu quan điểm này, Bộ trưởng mong rằng, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm tới giáo dục rồi sẽ quan tâm hơn nữa.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, giáo dục Đắk Nông cần đặt ra mục tiêu một cách phù hợp, trong nhiều ngổn ngang cần giải quyết, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo vên, chuyên môn, chất lượng… cần đặt trọng tâm gỡ dần ở đâu trong điều kiện có thể. “Làm tốt từng việc một và trong điều kiện có thể, khả thi”.
Các đại biểu dự lễ tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tỉnh Đắk Nông – Ảnh: TT. |
Một số nhóm việc cụ thể được Bộ trưởng lưu ý cần hoàn thiện ngay với tỉnh Đắk Nông. Đó là quan tâm đặc biệt tới giáo dục dân tộc, gồm: tỷ lệ huy động trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, sắp xếp, đầu tư hệ thống các trường nội trú, bán trú; quan tâm tới đời sống của học sinh, giáo viên trong các trường nội trú, bán trú; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số; giảm thiểu sự chênh lệch giữa giáo dục vùng thuận lợi với vùng khó khăn khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Bộ trưởng cũng đề cập tới mối quan tâm dành cho phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, bởi chất lượng và năng lực của đội ngũ có ý nghĩ quyết định đến chất lượng đổi mới. Theo Bộ trưởng, với những địa bàn khó khăn, khi tính chủ động của đội ngũ còn chưa cao thì bài toán đặt ra không chỉ là đảm bảo số lượng mà cần hỗ trợ nhiều hơn, tập huấn nhiều hơn, làm nhiều việc hơn để nâng cao năng lực của đội ngũ.
“Có như vậy các mục tiêu đổi mới mới đạt được về chiều sâu và chúng ta mới không tụt hậu xa hơn về khoảng cách với các vùng thuận lợi”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời khẳng định, về phía trách nhiệm của mình, Bộ GDĐT sẽ làm nhiều hơn cho vấn đề này, chứ không chỉ dừng lại ở giải quyết vấn đề số lượng.
|
Về một số việc chuẩn bị cho năm học mới – năm trọng tâm, trọng điểm của chu trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Đắk Nông quan tâm tìm cách giải quyết ngay các vấn đề trước mắt như thiếu giáo viên để năm học mới vận hành bình thường; rà soát đảm bảo đầy đủ sách giáo khoa trước năm học mới, có chính sách hỗ trợ đối với học sinh khó khăn; triển khai các hoạt động chuyên môn phù hợp và hiệu quả trong năm học mới…