Thầy trò Trường THPT chuyên Tuyên Quang. Ảnh: NVCC |
Nhiều địa phương đang thực hiện quy trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho nhà giáo theo hướng dẫn tại chùm Thông tư 01 – 04 và Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT.
Không để giáo viên “lỡ hẹn”
Theo thống kê, Tuyên Quang có hơn 14 nghìn cán bộ, giáo viên. Ông Vũ Đình Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở đang thực hiện các bước để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT.
Hiện, Sở GD&ĐT đang yêu cầu Phòng Tổ chức cán bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục, giáo viên trong việc làm hồ sơ để được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Quan điểm của Sở GD&ĐT là tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên nhưng không xuê xoa, cẩu thả.
“Chúng tôi quán triệt, quá trình thực hiện cần nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe ý kiến, tâm tư của giáo viên để kịp thời tháo gỡ” – ông Hưng chia sẻ. Chẳng hạn, với trường hợp giáo viên phổ thông có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, bằng trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm hoặc trường hợp giáo viên phổ thông có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp trước ngày 22/5/2021 thì được xác định là có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của cấp học đang giảng dạy.
Hiện, Khánh Hòa có khoảng 22 nghìn giáo viên đang tham gia giảng dạy tại hơn 500 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn. Ông Châu Thái Lộc – Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết, Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ đang phối hợp chặt chẽ để sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo Thông tư 08.
Dự kiến từ nay đến cuối tháng 9, Khánh Hòa sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công lập các cấp. Sau đó, sẽ tiến hành quy trình các bước tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho nhà giáo.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học hướng dẫn giáo viên rà soát lại hồ sơ, không để thiếu sót dẫn đến bị trả lại, “lỡ hẹn” trong việc bổ nhiệm, xếp lương lần này. “Chúng tôi cố gắng làm đâu chắc đấy để không phải làm lại và trên hết là đảm bảo công khai, minh bạch, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho giáo viên” – ông Châu Thái Lộc bày tỏ.
Một lớp học Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang). Ảnh: Trường Tiến |
Bám sát hướng dẫn của Thông tư 08
Sở GD&ĐT Hậu Giang đang triển khai thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT. Bà Lê Hồng Đào – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho hay, đến thời điểm này, quy trình các bước diễn ra thuận lợi, chưa gặp khó khăn, vướng mắc. Dự kiến trong tháng 11/2023, chúng tôi sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho nhà giáo.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi bám sát hướng dẫn của Thông tư 08 để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên” – bà Đào khẳng định và viện dẫn, theo Thông tư này, với giáo viên mầm non đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV; giáo viên tiểu học đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV;
giáo viên THCS đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I, hạng II, hạng III; giáo viên THPT đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I, hạng II, hạng III theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2022 thì sẽ được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Theo đó, giáo viên được sử dụng chứng chỉ này khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học quy định tại Thông tư.
Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08 của Bộ GD&ĐT, một số địa phương khi bổ nhiệm, chuyển xếp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS sang chức danh nghề nghiệp tương ứng vẫn yêu cầu giáo viên phải nộp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này khiến việc bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN còn khó khăn, chưa đồng bộ.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 7 các Thông tư số 01, 02, 03/2021/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 9 Điều 1, Khoản 7 Điều 2, Khoản 8 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT.
Theo đó, khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lưu ý thêm, Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08 đã quy định “không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT”.
Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang Vũ Đình Hưng cho hay, dự kiến tháng 10 năm nay, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương cho giáo viên sẽ hoàn tất. Xong bước này, Sở GD&ĐT sẽ hướng dẫn thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Cho đến thời điểm này, Sở chưa nhận được phản hồi của giáo viên phản ánh về những khúc mắc liên quan đến nội dung này.