Chiều 28/2, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị trao đổi với các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tỉnh Lào Cai.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu; thảo luận về tình hình sử dụng đất; hoạt động đầu tư; quy hoạch – xây dựng; bảo vệ môi trường; tình hình sử dụng lao động và những giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cửa khẩu của địa phương. Trong đó, các đại biểu, doanh nghiệp thống nhất về sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện nền tảng cửa khẩu số, cải cách hành chính và đầu tư hạ tầng phục vụ tốt hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong năm 2024.
Sản xuất công nghiệp, chế biến và kinh tế cửa khẩu là 2 trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025. Năm 2023, phía Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì hoạt động thông quan qua các cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành – Bắc Sơn, đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu và khôi phục xuất nhập cảnh tại lối mở Lồ Cố Chin (Việt Nam) – Lao Kha (Trung Quốc) và cửa khẩu phụ Mường Khương (Việt Nam) – Kiều Đầu (Trung Quốc).
Do đó, để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, Lào Cai đã triển khai vận hành nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành từ ngày 21/8/2023. Mặc dù nền tảng cửa khẩu số đã đi vào hoạt động, tuy nhiên theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu như kỳ vọng.
Cụ thể, trên thực tế, phần mềm cửa khẩu số đã hoàn thành việc kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ quan như Kiểm dịch thực vật, Tổng cục đường bộ, Kiểm dịch y tế. Tuy nhiên, phần mềm chưa được chia sẻ, kết nối dữ liệu với Tổng cục Hải quan, do đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang phải thực hiện khai báo trên 2 nền tảng cửa khẩu số và hệ thống VNACCS/VCIS của cơ quan Hải quan.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ nền tảng cửa khẩu số chưa được hoàn thiện. Bãi kiểm hóa hàng xuất khẩu mới hoàn thiện xây dựng một phần, diện tích hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu cho lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu đậu, đỗ, làm thủ tục kiểm hoá.
Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai Vương Trinh Quốc khẳng định, trong năm 2024, Ban quản lý xác định tập trung hoàn thiện nền tảng cửa khẩu số, vận hành có hiệu quả trung tâm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thu hút đầu tư hạ tầng trong khu kinh tế đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, địa phương đang thống nhất với Tổng cục Hải quan về quy trình thí điểm theo dõi, quản lý thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành trên nền tảng cửa khẩu số; sau khi Tổng cục Hải quan thống nhất, sẽ thực hiện quy trình kết nối dữ liệu với ngành hải quan. Ban quản lý chỉ đạo các lực lượng làm việc tại luồng giữa Nhà liên ngành cửa khẩu Kim Thành cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 4 – 6 phút xuống còn dưới 2 phút/lượt xe; rà soát, đề xuất phương án phân luồng cửa khẩu Kim Thành lên 5 làn xe.
Ngoài ra, tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp như Công ty may Babeeni, Công ty TNHH khoáng sản Việt – Trung, Công ty cổ phần Nghĩa Anh, Công ty cổ phần Nhẫn… đã nêu lên một số vấn đề vướng mắc liên quan đến nguồn lực lao động, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác, thuế đất, dịch vụ hậu cần logictis…
Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai và lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành đã giải đáp, nắm bắt về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp, dự án để phối hợp tìm biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Năm 2024, Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng cơ chế chính sách và môi trường đầu tư thực sự thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Địa phương chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trong đó phát triển công nghiệp là nền tảng quan trọng; phát triển thương mại – du lịch, dịch vụ là đột phá.
Lào Cai phấn đấu duy trì tốc độ phát triển sản xuất tại các khu công nghiệp với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.155 tỷ đồng, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh năm 2024 lên trên 52.200 tỷ đồng; đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, phấn đấu giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD.