Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh. Đây là một trong những yếu tố kéo lợi nhuận ngân hàng giảm tốc.
Tuy nhiên, tăng dự phòng rủi ro cũng là xu hướng tất yếu giúp tạo bộ đệm vững chắc trước áp lực gia tăng nợ xấu.
Chi phí trích lập dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: BNEWS phát
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ở mức 3,51%, tăng mạnh so với mức 2,88% hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ nhóm 3 và 4 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ) đều tăng khoảng gấp đôi sau 9 tháng qua.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này vì thế cũng tăng hơn 99% so với cùng kỳ năm nước, đạt gần 1.051 tỷ đồng. Bộ đệm dày thêm đã “ăn mòn” lợi nhuận của ABBank đưa tổng lợi nhuận trước thuế xuống chỉ còn hơn 708 tỷ đồng, giảm 59% so với 9 tháng năm 2022.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dù được kiểm soát ở 1,4% tại thời điểm kết thúc quý III/2023, nhưng vẫn là mức cao so với tỷ lệ 0,9% hồi cuối năm 2022.
Techcombank trong kỳ này đã dành ra gần 2.287 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận ngân hàng do đó giảm 17,8% so với cùng kỳ xuống còn hơn 17.115 tỷ đồng trước thuế.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) trong 9 tháng qua đã mạnh tay chi gần 2.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ riêng quý III/2023, TPBank trích lập tới 1.293 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận TPBank trước thuế quý III giảm 26,3% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 1.575 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế giảm 16,3%, xuống còn 4.959 tỷ đồng.
Sở dĩ TPBank trích lập dự phòng mạnh tay như vậy là bởi nợ xấu của ngân hàng trong 9 tháng qua đã tăng đột biến lên hơn 5.350 tỷ đồng, gấp 4 lần so với đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 và 4 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ) tăng lần lượt 8,5 lần và 3 lần so với hồi đầu năm. Từ đó, tỷ lệ nợ xấu tại TPBank tăng từ mức 0,84% hồi đầu năm lên 2,97% khi kết thúc 9 tháng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng không ngoại lệ. Lợi nhuận trước thuế quý III/2023 của BVBank đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm 69,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, BVBank chỉ ghi nhận lợi nhuận 61 tỷ đồng trước thuế, giảm 85,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài yếu tố sụt giảm từ các nguồn thu chính, việc tăng trích lập dự phòng cũng đã góp phần kéo lùi lợi nhuận của BVBank. Tính đến hết quý III/2023, BVBank đã dành hơn 141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 2,79% đầu năm lên 3,56%, vượt mức trần quy định mà Ngân hàng Nhà nước đề ra là 3%.
Việc chi phí trích lập dự phòng tăng cao trong những quý gần đây không nằm ngoài dự báo. Nguyên nhân xuất phát từ nợ xấu của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu, đang gia tăng mạnh mẽ.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tăng trong quý IV. Lí do là bởi các ngân hàng đang nỗ lực xóa nợ xấu và kéo giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm 2023. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng.
Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý cuối năm, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho rằng chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại sẽ tăng mạnh trong quý IV do yếu tố mùa vụ. Điều này, cùng với việc chi phí dự phòng có thể tiếp tục tăng, sẽ khiến lợi nhuận của các ngân hàng trong quý IV thấp hơn quý III. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, lợi nhuận ngành ngân hàng có thể sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng, một trong những yếu tố quan trọng tác động đến lợi nhuận các ngân hàng, vẫn còn cách khá xa mục tiêu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/10, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,1%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 14-15% đã đề ra cho cả năm.
“Nguyên nhân là do các ngân hàng đang phải cân nhắc trong các quyết định cho vay, duy trì chất lượng tín dụng hoặc thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng do tỷ lệ nợ xấu đã vượt lên trên 3%. Mặt khác, triển vọng phục hồi của các ngành sản xuất tiêu dùng chưa thật sự rõ nét, chưa kích thích được nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân”, bà Trần Thị Khánh Hiền phân tích.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài làm suy giảm khả năng trả nợ. Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện, thiếu các cơ chế và chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị để giảm áp lực nợ xấu cũng như để khơi thông dòng vốn nền kinh tế, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh vào chính sách tài khóa nhiều hơn. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay không được như kỳ vọng, trong khi đó chính sách tiền tệ hiện gần như đang bão hòa.