Lãi suất ngân hàng sáng 1/12 giảm tiếp tại hầu hết các kỳ hạn so với hồi đầu tháng trước. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nhiều nơi đã xuống dưới mức 5%/năm.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất tại ngân hàng này xuống chỉ còn 4,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Tương tự, với tiền gửi kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất tại Vietcombank giảm còn 3,7%/năm. Đáng chú ý, với tiền gửi kỳ hạn 1 và 3 tháng, Vietcombank áp dụng lãi suất chỉ 2,4 và 2,7%/năm, mức thấp kỷ lục của Vietcombank và cả hệ thống ngân hàng.
Sau lần điều chỉnh này, lãi suất huy động tại Vietcombank đang thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng lớn.
Trong khi đó, tại 3 ngân hàng còn lại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất cao nhất hiện vẫn là 5,3%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng tại 3 ngân hàng này dao động từ 3-3,3%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng là 4,3%/năm.
Không riêng nhóm “big 4”, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng khác cũng cùng xu hướng giảm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa có bước giảm nhẹ lãi suất 0,1%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng tại Techcombank hiện còn từ 4,5-4,55%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng còn 4,9%/năm. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 5,3%/năm, áp dụng cho sản phẩm Tiền gửi Phát lộc online từ 12 tháng.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng ghi nhận lãi suất huy động thấp kỷ lục với mức 4,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, tiền gửi các kỳ hạn 6-9 tháng tại ABBank, lãi suất có phần nhỉnh hơn, dao động từ 4,3-4,4%/năm; thậm chí, gửi tiết kiệm online các kỳ hạn từ 9-11 tháng, còn được hưởng lãi suất 4,9%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), lãi suất huy động giảm tiếp 0,2-0,4%/năm. Tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng tại MB, lãi suất áp dụng chỉ còn từ 3,2-3,5%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng, lãi suất từ 4,7-4,8%/năm; tiền gửi 12 tháng, lãi suất 5,1%/năm… Lãi suất cao nhất tại MB hiện là 6,5%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 24 tháng tại các chi nhánh thuộc miền Trung và miền Nam.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) giảm từ 0,3-0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn so với trước đó. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-3 tháng còn 3,65%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng còn 5,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5,4%/năm.
Từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên tới 11%/năm, hiện mức này tại PVCombank cũng đã hạ nhiệt, xuống còn 10,5%/năm. Tuy nhiên, đây vẫn là mức huy động cao nhất hệ thống ngân hàng tại thời điểm hiện nay. Để được hưởng lãi “khủng” như vậy, khách hàng phải đáp ứng điều kiện số dư từ 2.000 tỷ đồng trở lên và gửi tiền kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.
Cũng từng có mức huy động cao nhất tiệm cận 9%/năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) hiện áp dụng lãi suất cao nhất chỉ còn 8,4%/năm cho khoản gửi từ 300 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn thông thường khác đồng loạt giảm 0,2%/năm lãi suất so với trước, xuống còn 3,15%/năm cho tiền gửi từ 1-3 tháng; từ 5,1-5,3%/năm cho tiền gửi từ 6-9 tháng và 5,4%/năm cho tiền gửi 12 tháng.
Bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu trong hơn nửa năm qua, tiền gửi của cả dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng trong tháng 9 tăng thêm 15.935 tỷ đồng, đưa tổng tiền gửi sau 9 tháng lên gần 6,45 triệu tỷ đồng, cao hơn 9,95% so với đầu năm. Đây là mức tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng cao nhất từ trước đến nay.
Tương tự, tiền gửi của tổ chức kinh tế cũng tăng mạnh trong tháng 9. Với mức tăng 217.353 tỷ đồng, tổng tiền gửi của tổ chức kinh tế lũy kế 9 tháng đạt mức 6,23 triệu tỷ đồng, cao hơn 4,65% so với cuối năm 2022.
Tính chung, tiền gửi của cả dân cư và tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến cuối quý III/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm.
Theo giới chuyên gia, dòng tiền tìm về với ngân hàng bất chấp lãi suất thấp chủ yếu là do các kênh đầu tư khác như trái phiếu, bất động sản có quãng thời gian dài gần như “đóng băng”, thị trường chứng khoán trồi sụt.
Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, cho rằng tiền gửi ngân hàng vẫn có khả năng tăng tiếp trong thời gian tới. Bởi các nhà đầu tư không có nhiều sự lựa chọn có thể sẽ tiếp tục gia hạn các khoản tiền gửi sắp đáo hạn nhằm bảo toàn nguồn vốn khi các kênh đầu tư sinh lời khác chưa có mấy khởi sắc.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận định nhà đầu tư vẫn giữ gửi tiết kiệm để tiếp tục quan sát thêm về tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính… Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại vẫn được coi là một kênh đầu tư tài chính an toàn.
“Hơn nữa, mặc dù lãi suất giảm nhưng lãi suất thực của VND vẫn dương, chênh lệch giữa lãi suất VND với USD và chênh lệch tỷ giá vẫn dương. Vì vậy vẫn đủ sức giữ chân khách hàng”, bà Phạm Thị Hoàng Anh đánh giá.