Diễn giả Trần Toản được nhiều người ưu ái gọi chị là “Người phụ nữ vạn năng”. Bởi không chỉ là một nhà báo xuất sắc, chị còn là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực truyền thông thương hiệu và là người khởi xướng nhiều chương trình thiện nguyện.
Phóng viên GĐVN đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Toản xoay quanh vấn đề xây dựng truyền thông thương hiệu trong thời đại kinh doanh số và sự phát triển của các thương hiệu.
PV: Là nhà báo chuyên về lĩnh vực kinh tế, và là chuyên gia tư về truyền thông thương hiệu, tái cơ cấu doanh nghiệp, chị có thể cho biết hiện nay các doanh nghiệp quan tâm đến việc truyền thông như thế nào, có khác gì so với 10 năm trước?
Chuyên gia truyền thông thương hiệu, nhà báo Trần Toản: Ở Việt Nam các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến xây dựng truyền thông thương hiệu tuy nhiên mức độ đầu tư thì vẫn còn hạn chế. Đâu đó vẫn còn là một lĩnh vực mới, một số đơn vị chưa đầu tư hay quan tâm một cách thực sự, kể cả trong phân bổ ngân sách cũng như tư duy của một số lãnh đạo doanh nghiệp.
Tôi thường làm việc với hai đối tượng một là các doanh nghiệp do các ông chủ tự thân gây dựng theo mô hình gia đình, chủ các doanh nghiệp này rất giỏi, nhạy bén trên thương trường, nhiều doanh nhân có số tài sản khổng lồ, nhưng tại một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến truyền thông thương hiệu hay nói cách khác là việc xây dựng, phát triển truyền thông dường như bị bỏ ngỏ. Nhóm thứ hai là các startup có ý tưởng, nhiệt huyết, có coi trọng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và cũng như ngân sách dành cho truyền thông.
Họ chưa thực sự quan tâm bởi chưa đánh giá đúng vai trò truyền thông. Đã có một số đơn vị, doanh nghiệp xây dựng phòng, ban truyền thông rồi nhưng chưa định vị đúng, chưa có mô hình phù hợp nên chưa phát huy được vai trò. Có nhiều người hiểu truyền thông thương hiệu chỉ là giới thiệu ra bên ngoài các sản phẩm, dịch vụ, hành hóa để tiếp cận khách hàng, bán được sản phẩm, nhưng như vậy là chưa đầy đủ.
Truyền thông thương hiệu quan trọng để tạo dựng niềm tin, thay đổi quan điểm, hành vi của khách hàng và đặc biệt giúp nâng cao giá trị thương hiệu và cũng qua đó doanh nghiệp nhận được các ý kiến phản hồi từ khách hàng để hoàn thiện, phát triển sản phẩm hàng hóa theo thị hiếu người dùng. Với nhiều kênh truyền thông, tùy vào chiến dịch mỗi đơn vị sẽ có chiến lược truyền thông thương hiệu riêng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ quan tâm tới truyền thông bên ngoài mà quên mất truyền thông nội bộ. Để xây dựng một chiến lược truyền thông đầy đủ các doanh nghiệp cần coi trọng cả 2 kênh truyền thông này. Nếu chúng ta bỏ 1 trong 2 kênh, doanh nghiệp khó phát triển lâu bền và vững mạnh.
PV: Chị có thể giải thích thêm về truyền thông nội bộ?
Chuyên gia truyền thông thương hiệu, nhà báo Trần Toản: Có một lần Trần Toản đến một doanh nghiệp tư vấn chiến lược truyền thông thương hiệu, một lãnh đạo khối Văn phòng đưa đoàn đi khảo sát, khi đến dây chuyền sản xuất hỏi các thông tin về sản lượng, chất lượng, điểm mạnh sản phẩm, lợi thế cạnh tranh… nhưng cán bộ đó không đưa ra được những thông tin chính, cũng không nắm được kế hoạch sản xuất.
Dù là doanh nghiệp nghìn tỷ nhưng cũng không khó để chỉ ra “nỗi đau” của doanh nghiệp này qua vài buổi làm việc, không có truyền thông nội bộ nên điều này khó tránh khỏi. Bởi vậy, kênh truyền thông nội bộ được ví là “điểm trạm” giữa doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên. Một số coi truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp là một mảng, nhưng điều đó chưa đúng, truyền thông nội bộ là mang văn hóa doanh nghiệp đến với nhân viên, chứ không phải nguồn gốc hình thành văn hóa doanh nghiệp.
Hành trình “Vạn dặm thương yêu” cùng Nhà báo, diễn giả Trần Toản đến với các em học sinh
Xét trên bình diện tổng thể khi truyền thông nội bộ tốt sự đoàn kết, gia tăng niềm tin vào công việc, vào doanh nghiệp của mỗi nhân viên sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn. Do đó, với các đơn vị mà tôi làm việc, tư vấn, tôi luôn ưu tiên xem xét, kiện toàn truyền thông nội bộ song song với phát triển truyền thông bên ngoài.
PV: Chị đã từng tư vấn, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu. Vậy theo chị khó khăn trong việc xây dựng chiến lược này là gì?
Chuyên gia truyền thông thương hiệu, nhà báo Trần Toản: Kinh nghiệm cho thấy, khó khăn nhất trong xây dựng chiến lược truyền thông không phải xây dựng bằng cách nào, mà bước đầu tiên bắt buộc phải thành công đó là thuyết phục được chủ doanh nghiệp coi trọng truyền thông. Một số ông chủ doanh nghiệp gia đình rất giỏi kinh doanh, bao nhiêu năm rồi họ vẫn kinh doanh tốt và họ cảm thấy rằng không có vấn đề gì xảy ra nếu không làm truyền thông thương hiệu.
Tự nhiên phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư con người, vật chất vào đó chắc gì nó sẽ tốt hơn? Sự hoài nghi này không tránh được bởi vì họ chưa từng, hay đầu tư cho truyền thông bài bàn nên họ chưa có niềm tin vào giá trị mà truyền thông thương hiệu mang lại.
Sau mấy năm covid 19 vừa rồi, trải qua rất nhiều khó khăn, biến động, các đơn vị mình làm cố vấn chiến lược truyền thông, hoặc đã từng tư vấn chiến lược truyền thông, tái cơ cấu truyền thông đều thừa nhận việc xây dựng, đầu tư bài bản cho truyền thông mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp, giúp họ vượt qua sóng gió thương trường, thích ứng, bắt nhịp nhanh chóng với thời cuộc từ giải pháp bán hàng, phương pháp quản lý online, phát triển dòng sản phẩm mới tới sự gắn kết, phát huy thế mạnh của mỗi nhân viên.
PV: Ngoài được biết đến với vai trò là một Chuyên gia truyền thông, chị còn là người khởi xướng nhiều chương trình thiện nguyện đầy ắp tình yêu thương, chị có thể cho biết một số chương trình đã và đang triển khai?
Chuyên gia truyền thông thương hiệu, nhà báo Trần Toản: Nghề báo mình đi nhiều, cũng chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nên có điều kiện là tôi lại khởi xướng các chương trình thiện nguyện. Có những chương trình lớn như kêu gọi tài trợ, giúp đỡ cho các bệnh nhân khô da sắc tố ở Mường Chiềng ( Hòa Bình), Ốc đảo Đồng Mậm (Bắc Giang).
Năm 2021, được sự giúp đỡ của Doanh nhân Nguyễn Thái Bình – CT HĐQT, kiêm TGĐ Vietnamlife group chúng tôi thành lập chương trình Vạn Dặm Thương Yêu, đây là chương trình kêu gọi sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm dành cho các em nhỏ mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, các em học giỏi, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Rất hạnh phúc là chương trình đã có 01 cháu thi đỗ vào đại học. Các cháu khác đều đang rất cố gắng, đều là học sinh giỏi tại các trường.
Những chuyến đi đầy cảm xúc của chương trình “Vạn dặm thương yêu”
Đến nay chương trình Vạn Dặm Thương Yêu ra mắt thêm quỹ học bổng Vạn Dặm Thương Yêu và tôi đang đảm đương vai trò Giám đốc Quỹ học bổng này. Chương trình này dành tặng các suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi tại các trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo.
Chúng tôi luôn ao ước làm gì đó để có thể giúp đỡ được nhiều những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. Nhưng như bạn biết, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, riêng chúng tôi không thể giúp được nhiều người. Chúng tôi hy vọng chương trình “Vạn dặm thương yêu” và quỹ học bổng “Vạn dặm thương yêu” sẽ là cầu nối những tấm lòng nhân ái tới với các em nhỏ mồ côi, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị, chúc chị tiếp tục thành công với hành trình truyền thông thương hiệu cũng như con đường thiện nguyện đến với những mảnh đời kém may mắn