Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Khánh Toàn, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết theo ước tính, có thể tiết kiệm 1,17 tỷ USD chi phí điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, tương đương 1% GDP của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng thực hiện song hành biện pháp giảm tác hại và cai thuốc lá được kỳ vọng sẽ giúp giảm gánh nặng lên hệ thống y tế do thuốc lá điếu gây ra.
Theo ước tính, có thể tiết kiệm 1,17 tỷ USD chi phí điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, tương đương 1% GDP của Việt Nam.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Khánh Toàn, giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình của Trường Đại học Y Hà Nội, đưa ra quan điểm này và chia sẻ nhiều ý kiến tại tọa đàm trực tuyến “Cai thuốc và Giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá” được tổ chức gần đây.
Người chưa cai thuốc lá có những lựa chọn nào?
Đồng tình với các chuyên gia y tế trong tọa đàm, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Khánh Toàn khuyến cáo cai thuốc là biện pháp tốt nhất trong mọi trường hợp. Song trên thực tế con số cai thuốc thành công không cao. Vì vậy, cần có biện pháp giảm tác hại của việc hút thuốc lá điếu.
Thực tế đã có nhiều biện pháp thay thế nicotine ra đời như thuốc lá thảo mộc, thảo dược…. Tuy nhiên, do không chứa nicotine, không được người dùng lựa chọn nên dù loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy cơ, các giải pháp này không mang đến nhiều hiệu quả.
Theo phân tích của Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Trần Khánh Toàn, nhiệt độ thuốc lá điếu khi đốt cháy lên đến 900-1.000 độ, trong khi nhiệt độ thuốc lá nung nóng khi làm nóng chỉ khoảng 300-350 độ, khiến hàm lượng các chất độc hại thấp hơn đáng kể so với thuốc lá điếu.
Dưới góc độ quản lý, theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn, các loại thuốc lá mới cũng là hàng hóa được điều chỉnh theo quy luật thị trường và dù là sản phẩm giảm tác hại nhưng bản chất vẫn là thuốc lá, nên cần quản lý như một loại thuốc lá.
Ông Toàn nhấn mạnh Việt Nam từ lâu cũng là quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới tham gia vào Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC), có các chiến lược, cách thức để quản lý mặt hàng thuốc lá, bao gồm các loại TLM như thuốc lá nung nóng.
Bên cạnh đó, “sản phẩm thuốc lá mới chỉ nhằm cung cấp cho những đối tượng đích là người trưởng thành đã nghiện thuốc lá mà không thể cai nghiện được, cần có biện pháp quản lý để tránh hướng đến người chưa từng hút, mới tập hút,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn lưu ý.
Trên thực tế ông Toàn cũng cho rằng hiện chưa đủ thời gian để đánh giá toàn diện tác động của sản phẩm thuốc lá mới lên sức khỏe người dùng. Mặt khác, do lưu thông bất hợp pháp qua đường buôn lậu nên những sản phẩm này lại tiếp cận và kích thích sự tò mò của giới trẻ, tạo nên những đối tượng sử dụng mới. Do vậy, cần xây dựng thêm nhiều nghiên cứu, mô hình đánh giá theo đặc thù từng quốc gia về hệ quả sức khỏe của thuốc lá mới để có hướng ứng xử phù hợp.
Vì sao nên bổ sung biện pháp giảm tác hại thuốc lá bên cạnh cai thuốc?
Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn đánh giá việc áp dụng song song biện pháp cai thuốc và giảm tác hại thuốc lá sẽ mang lại lợi ích kép.
Về mặt sức khỏe, việc này giúp kéo dài tuổi thọ, hạn chế các nguy cơ bệnh tật, nâng cao chất lượng sống cho người chưa thể cai thuốc lá.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn phân tích rằng nếu mỗi năm có khoảng 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang các sản phẩm ít độc chất hơn, và nếu thực sự việc sử dụng các loại thuốc lá mới này giảm 70% nguy cơ các bệnh liên quan khói thuốc, thì từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm có thể giảm 1.500 tỷ chi phí y tế và chi phí thuốc lá, giảm 4.700 ca tử vong do thuốc lá; đồng thời giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30% – đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% vào năm 2030 (theo Chiến lược Quốc gia về Phòng, Chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030).
Về mặt kinh tế, Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn cho biết mỗi năm trên toàn cầu, chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá lên đến 1.400 tỷ USD. Vì vậy, việc thực hiện biện pháp kép sẽ giúp các quốc gia giảm áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế do thuốc lá điếu, dành ngân sách cho các hoạt động khác. Cụ thể là tiết kiệm 1,17 tỷ USD cho Việt Nam, trong chi phí điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, tương 1% GDP của cả nước.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn cũng cho biết phần lớn các nước thành viên WHO đã ban hành chính sách quản lý đặc thù với thuốc lá mới; trong đó, Thụy Điển gần chạm mục tiêu “quốc gia không khói thuốc” với tỷ lệ người hút thuốc dưới 5%.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Toàn, những kinh nghiệm thực tiễn đó sẽ là sở cứ tin cậy cho Việt Nam tham khảo và xem xét bổ sung biện pháp giảm tác hại bằng TLM vào chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia./.