Trẻ 1 tuổi xem TV, màn hình điện thoại hoặc các thiết bị tương tự quá nhiều sẽ có nguy cơ chậm phát triển trong 5 tiêu chí được đánh giá.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, việc xem TV và các thiết bị điện tử tương tự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ ngay từ khi mới biết đi.
Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử đối với trẻ từ 1 tuổi.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Chiba và một trung tâm sức khỏe trẻ em quốc gia ở Nhật Bản đã đánh giá các dữ liệu thu thập từ 57.980 trẻ em và mẹ của các em, dựa trên thời gian tiếp xúc với màn hình từ 0-4 giờ.
Kết quả cho thấy trẻ 1 tuổi xem TV, màn hình điện thoại hoặc các thiết bị tương tự quá nhiều sẽ có nguy cơ chậm phát triển trong 5 tiêu chí được đánh giá, gồm: Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng xử lý tình huống; Kỹ năng cá nhân và xã hội; Kỹ năng vận động thô (như chạy, nhảy…) và Kỹ năng vận động tinh (như nhặt đồ vật).
Những trẻ có thời gian tiếp xúc màn hình ít hơn có xu hướng thể hiện những kỹ năng này tốt hơn.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hiệu suất phát triển kỹ năng cao hơn cũng liên quan tới việc trẻ tương tác cùng những người thân khác trong gia đình, ví dụ như việc trẻ có anh/chị hoặc thường xuyên được nghe đọc sách…
Bà Midori Yamamoto, một thành viên của nhóm nghiên cứu, đồng thời là Giáo sư dự khuyết tại Trung tâm Khoa học Y tế Dự phòng của trường Đại học Chiba – bày tỏ “hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp các gia đình có con nhỏ suy nghĩ về việc cho con tiếp xúc với phương tiện truyền thông tại nhà.”
Bà đồng thời cho biết các nhà khoa học sẽ tiếp tục tiến hành thêm những nghiên cứu liên quan, do nghiên cứu mới nhất này chỉ tập trung vào trẻ em sinh từ năm 2011-2014.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 5 tuổi cần “ngồi ít lại, chơi nhiều hơn,” tức phải dành ít thời gian ngồi một chỗ trước màn hình, phải được ngủ tốt hơn và có nhiều thời gian chơi đùa, vận động – nếu muốn lớn lên khỏe mạnh.
Cụ thể, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và trẻ 1 tuổi không nên tiếp xúc với bất kỳ màn hình nào, trong khi đó trẻ 2, 3, và 4 tuổi chỉ được tiếp xúc với màn hình không quá 1 tiếng/ngày, ít hơn càng tốt.
Với trẻ dưới 5 tuổi nói chung, WHO khuyên thời gian các bé buộc phải “thụ động” (nằm hoặc ngồi xe nôi, xe đẩy), cha mẹ hay người chăm sóc có thể đọc sách hoặc kể chuyện cho bé nghe thay vì cho xem điện thoại hay TV.
Con số không quá 1 giờ xem màn hình mỗi ngày do WHO khuyến nghị không khác so với đề nghị của một số tổ chức hay nhóm nghiên cứu khác.
Chẳng hạn, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) trước đây khuyến cáo trẻ em và tuổi vị thành niên không nên xem TV quá 2 giờ mỗi ngày.
Khi smartphone và iPad bắt đầu phổ biến, AAP hiện đã cập nhật lại khuyến nghị: trẻ dưới 18 tháng không nên tiếp xúc với màn hình, trẻ từ 2-5 tuổi không xem quá một tiếng mỗi ngày, và đặc biệt, tất cả các hoạt động ngồi trước màn hình đều nên có người lớn cùng tham gia.
Trong khi đó, Hiệp hội Nhi khoa Canada năm 2017 đưa ra khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình, còn trẻ từ 2-5 tuổi chỉ nên xem một giờ mỗi ngày.
Tổ chức này cũng khuyến khích trẻ tránh tiếp xúc màn hình ít nhất một tiếng trước khi đi ngủ.
Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức khác nhau lại có cùng chung khuyến cáo như vậy.
Tivi và máy tính đã trở thành hình thức giải trí phổ biến nhất đối với trẻ em. Song việc dành quá nhiều thời gian trước các thiết bị điện tử này có thể làm sa sút kết quả học tập và giảm khả năng tập trung.
Các nhà nghiên cứu bày tỏ hy vọng phát hiện này sẽ có thể là cơ sở để các bậc phụ huynh, giáo viên và bác sỹ cân nhắc loại hình và thời lượng tiếp xúc với TV và máy tính trong việc lập kế hoạch học tập cho trẻ em./.