Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trong năm 2022, ở châu Phi có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh lao, tương đương cứ 13 giây lại có thêm một người mắc mới.
Các nhân viên y tế tiếp đón người dân đến khám sàng lọc bệnh lao ở Ntungamo, Uganda. (Nguồn: WHO)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Phi chung tay và đầu tư cho các biện pháp mang lại hiệu quả cao để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh lao vào năm 2030.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, bà Matshidiso Moeti, cho biết có thể giảm đáng kể gánh nặng bệnh lao ở châu Phi nếu như các chính phủ, ngành y tế và các đối tác tài trợ đầu tư cho công tác chẩn đoán, sản xuất vaccine và nghiên cứu những phương pháp điều trị mới.
Theo bà, bệnh lao tiếp tục là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai do một tác nhân truyền nhiễm, vượt cả HIV và AIDS.
Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2022, ở châu Phi có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh lao, tương đương cứ 13 giây lại có thêm một người mắc mới.
Bên cạnh đó, số ca tử vong do lao cũng lên tới 424.000 người trong năm 2022, tức là cứ mỗi phút lại có một người thiệt mạng, mặc dù bệnh lao có thể phòng ngừa và điều trị được.
Theo bà Moeti, những số liệu này nhấn mạnh tính cấp bách và nỗ lực bền bỉ của hành động tập thể trong việc giải quyết dịch bệnh lao đang diễn ra, cho dù trong thời gian qua công cuộc chống bệnh lao ở châu Phi cũng đã đạt được một số tiến bộ nhất định như đã làm giảm 38% số ca tử vong trong khoảng thời gian từ năm 2015-2022.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm nay (24/3), WHO đã lấy chủ đề “Có! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao!” để khơi dậy các chiến dịch nâng cao nhận thức loại bỏ căn bệnh do vi khuẩn gây ra và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố ô nhiễm, sống quá đông đúc và nghèo đói này.
Bà Moeti nói rõ việc chia sẻ kiến thức, tạo điều kiện cho việc tiếp cận chẩn đoán, thực hiện kiểm soát bệnh lao hiệu quả và hợp tác khu vực sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng căn bệnh này sẽ không còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng ở châu Phi.
Những hành động thiết thực nhất, theo bà Moeti, là tăng cường phòng chống bệnh lao đa kháng thuốc, tăng cường giám sát, tài trợ đầy đủ, triển khai nghiên cứu, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và tăng cường hệ thống y tế./.