Hàng hóa bình ổn giá bao gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, gạo, nếp, thịt gia súc, gia cầm… với giá bán ổn định, thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm.
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Nguồn: TTXVN)
Để đảm bảo lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định, đồng thời đẩy mạnh đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Đặc biệt, tỉnh đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân huyện đảo Phú Quý trong dịp Tết và trong mùa thời tiết xấu năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, tổng giá trị hàng hóa bình ổn thị trường dự kiến đạt khoảng 391 tỷ đồng (tăng 34 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).
Hàng hóa bình ổn giá bao gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, gạo, nếp, thịt gia súc, gia cầm… với giá bán ổn định, thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm.
Thời gian bán hàng bình ổn được thực hiện từ nay cho đến cuối tháng 3/2024 và ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Để tạo điều kiện về nguồn vốn cho các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Thuận và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với mức lãi suất cho vay ưu đãi.
Cùng đó, ngân hàng có hạn mức tín dụng, mức lãi suất cho vay phù hợp dành cho các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn và đảm bảo giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp tham gia chương trình.
Ngoài ra, để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc tham mưu, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
Đặc biệt, Sở chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả, trứng gia cầm…bảo đảm đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đối với việc dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân huyện đảo Phú Quý dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và trong mùa thời tiết xấu năm 2023, Sở Công Thương phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quý rà soát nhu cầu tiêu dùng của người dân, thực tế quy mô của các cửa hàng, đại lý kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn huyện, số lượng hàng hóa tham gia phương án dự trữ chiếm khoảng 60-70% so với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Phú Quý chủ động khuyến khích, vận động dự trữ trong dân sao cho đảm bảo chiếm 30-40% lượng hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu tại địa phương.
Hằng năm, vào mùa gió Đông Bắc (từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau), việc vận chuyển hàng hóa, hành khách từ đất liền ra huyện Phú Quý gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, có thể gây cô lập huyện đảo Phú Quý dài ngày.
Việc dự trữ hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu và phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa phục vụ cho huyện Phú Quý phải chủ động và chuẩn bị thật tốt để đảm bảo cung ứng kịp thời cho người dân khi có thời tiết xấu xảy ra./.