Cần Thơ: Phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Thời gian qua, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn TP Cần Thơ đã phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, làm gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên vào HTX.

HTX không chỉ áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP mà còn chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc BVTV sinh học. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Hiện toàn TP Cần Thơ có 1.480 tổ hợp tác (THT), thu hút khoảng 53.343 hộ gia đình tham gia, trong đó có 30 THT thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023. Tổng vốn điều lệ 736,310 tỉ đồng, với 13.038 thành viên, 18.335 lao động thường xuyên. 

Thời gian qua, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành hữu quan thành phố hỗ trợ các HTX tham gia nhiều chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; kết hợp ứng dụng công nghệ, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Hiện thành phố đã có nhiều HTX đã ứng dụng tiêu chuẩn, công nghệ vào sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa vừa có chất lượng, vừa đạt sản lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, phát huy thế mạnh ngành nông nghiệp của địa phương, thời gian qua, TP đã đẩy mạnh thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới, nhằm tạo dựng chuỗi liên kết quy mô, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên HTX. TP Cần Thơ đã xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới với vốn điều lệ khá cao (từ 2-7 tỷ đồng) và có tổng diện tích sản xuất từ 500-1.000 ha, phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực. Điển hình là HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn, năm 2017, HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A, đã vận động 34 nhà vườn bắt tay hợp tác cùng nhau trồng các loại sầu riêng, vú sữa… theo quy trình VietGAP; đồng thời HTX còn tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng huyện và thành phố, liên kết với doanh nghiệp thu mua tổ chức dịch vụ đầu vào và đầu ra đúng thời vụ cho nhà vườn. Nhờ đó, HTX không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, mà còn làm tăng giá trị nông sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho mỗi hộ thành viên, với gần 100 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, nhiều HTX đã khẳng định vai trò điều tiết các sản phẩm của hội viên HTX, tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh được mùa mất giá. Đó là HTX trồng nhãn Thới Trinh ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.  Không chỉ xây dựng mạng lưới kết nối cho 60 thành viên HTX và hàng trăm nhà vườn trồng nhãn ở phường Thới An, HTX Thới Trinh đã thực hiện thành công việc điều tiết hơn 465 ha nhãn được thu hoạch luân phiên đáp ứng sản lượng trái cây theo yêu cầu cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài thành phố.

Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ của quận Ô Môn, các thành viên HTX Thới Trinh đã có điều kiện duy trì quy trình trồng nhãn đạt chuẩn VietGAP trong nhiều năm liền, giúp hội viên tăng thu nhập.

Cùng với đó, để gia tăng hiệu quả kinh tế, HTX còn định hướng cho thành viên duy trì việc trồng cây ăn trái theo hướng sạch; kết hợp đầu tư xây dựng nhà sơ chế, đóng gói trái cây. Ðồng thời, HTX tranh thủ sự trợ lực của ngành chức năng các cấp để tăng cường kết nối doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn…

HTX đã ứng dụng tiêu chuẩn, công nghệ vào sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa vừa có chất lượng, vừa đạt sản lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu (Ảnh: Báo Cần Thơ)

Giai đoạn 2023-2025, TP Cần Thơ đặt mục tiêu 100% các hợp tác xã nông nghiệp hiện hữu được phổ biến, bồi dưỡng và cập nhật các kiến thức về tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó có các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng và nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản.

Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, UBND TP. Cần Thơ giao cho các sở, ban, ngành liên quan tập trung lồng ghép mọi nguồn lực tài chính từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, hỗ trợ xây dựng từ 3-5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp đạt chuẩn áp dụng đầy đủ các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã truyền thống sang sản xuất tuần hoàn. Từ đó nhân rộng ra các hợp tác xã nông nghiệp khác trên toàn thành phố.

UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành lồng ghép chính sách hỗ trợ từ các chương trình có sẵn, như: Chương trình “Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Cần Thơ giai đoạn 2021-2025”; Dự án Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh TP. Cần Thơ”… UBND TP cũng yêu cầu mở rộng cho vay vốn đối với các hợp tác xã nông nghiệp theo các quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP nhằm tạo cơ hội để các HTX nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững./.

PV
Theo: dangcongsan
Spread the love
Back To Top