Chuyên gia dự đoán giá nông sản có thể sẽ tăng trở lại, giá dầu vẫn tiếp tục đà đi lên, trong khi đó cuộc cách mạng xe điện sẽ giúp đẩy mạnh giá các kim loại công nghiệp.
Nông dân thu hoạch ngô tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 8/10/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thị trường hàng hóa biến động thất thường trong suốt vài năm qua, khiến tâm lý các nhà đầu tư cá nhân cũng trồi sụt theo.
Hợp đồng dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ đã nhanh chóng rơi vào vùng âm trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 năm 2020, trước khi phục hồi lên mức hơn 82 USD/thùng gần đây.
Giá lương thực thế giới đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, một phần do cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng gần đây đã giảm trở lại.
Trong khi đó, các mặt hàng khác từ gỗ đến đồng đều tăng vọt rồi giảm do áp lực lạm phát toàn cầu và lo ngại suy thoái kinh tế.
Dưới đây là ý kiến của các các chuyên gia về viễn cảnh của thị trường hàng hóa toàn cầu trong 6-9 tháng tới.
Xu hướng sụt giảm sẽ sớm kết thúc?
Cuộc xung đột Nga-Ukraine, bắt đầu diễn ra vào tháng Hai năm ngoái, đã khiến giá các loại ngũ cốc quan trọng tăng vọt do các nhà đầu tư lo ngại rằng nguồn cung từ hai nước, vốn chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu, sẽ bị gián đoạn.
Theo dữ liệu của FactSet, giá lúa mỳ đạt mức cao kỷ lục 12,25 USD/bushel sau cuộc xung đột, mặc dù giá mặt hàng này sau đó đã giảm, gần đây chỉ còn 5,61 USD/bushel.
Giá ngô cũng tăng vọt trong những tháng đầu của cuộc xung đột, lên 8,18 USD/bushel, gần với mức kỷ lục 8,31 USD/bushel ghi nhận trong năm 2012.
Gần đây, mặt hàng này được giao dịch ở mức giá chỉ 4,75 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg). Giá nông sản giảm trở lại trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng và các vấn đề về nguồn cung liên quan đến xung đột không tệ như dự báo.
Tuy nhiên, một số chiến lược gia dự đoán xu hướng sụt giảm có thể sớm kết thúc vì giá các loại nông sản chủ chốt đang tiến gần đến mức hòa vốn, nghĩa là chi phí sản xuất ngang bằng với doanh thu. Điều đó có nghĩa là nếu giá giảm hơn nữa, nhà sản xuất sẽ thua lỗ.
Ông Jake Hanley, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại công ty Teucrium, nhà cung cấp các quỹ giao dịch trao đổi nông nghiệp, cho biết: “Tôi không biết giá nông sản có thể giảm sâu bao nhiêu nữa, trong khi giá năng lượng tiếp tục tăng.”
Ông Hanley nhận định cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung và đẩy giá ngũ cốc tăng cao. Hiện tại, cả hai nước vẫn đang cho phép các chuyến tàu chở ngũ cốc đi qua Biển Đen mà không gặp trở ngại, mặc dù điều đó có thể thay đổi.
Một yếu tố khác có thể làm tăng giá nông sản là sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết El Niño, đe dọa phá vỡ các quy luật thời tiết thông thường. El Niño có thể dẫn tới sản lượng thu hoạch giảm ở nhiều nơi trên thế giới.
Hơn nữa, các nhà dự báo còn dự đoán về Modoki El Niño – một loại hiện tượng thời tiết như El Niño, nhưng sự nóng lên xảy ra ở khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương thay vì khu vực xích đạo phía Đông. Vào năm 2015, sự kiện Modoki El Niño đã làm giảm 1/5 sản lượng ngô ở Brazil – nước sản xuất ngô lớn thứ ba thế giới – do thời tiết khô hơn bình thường.
“Vàng đen” có thể tiếp tục đà tăng
Người tiêu dùng đều biết rằng giá dầu đang tăng trở lại. Một thùng dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ gần đây có giá 82 USD/thùng, tăng từ mức 67 USD/thùng ghi nhận trong tháng 3/2023. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá “vàng đen” có thể dễ dàng tăng leo cao hơn nữa.
Một phần của đà gia tăng gần đây là do việc cắt giảm sản lượng tự nguyện từ cả Saudi Arabia và Nga, hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Ông Stewart Glickman, nhà phân tích cổ phiếu năng lượng tại công ty nghiên cứu tài chính CFRA ở New York (Mỹ), cho biết: “Những động thái cắt giảm đó đang tạo ra nhiều thuận lợi cho thị trường dầu mỏ.”
Giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nếu cuộc xung đột gần đây giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas lan sang khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, nó có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu và đẩy giá dầu lên cao hơn nữa. Ngay cả nỗi sợ hãi về kịch bản đó cũng có thể gây ra điều tương tự.
Ngoài ra, nhu cầu dầu toàn cầu có vẻ sẽ ổn định hoặc tăng trưởng trong thời gian tới. Ông Peter McNally, người đứng đầu bộ phận phân tích ngành năng lượng toàn cầu tại công ty nghiên cứu đầu tư Third Bridge ở London (Anh), cho biết: “Mức tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ khó có thể thay đổi ngay cả khi kịch bản suy thoái diễn ra do thị trường việc làm vẫn vững ổn.”
Theo dữ liệu từ công ty bảo hiểm PD có trụ sở tại Australia, sự gia tăng số lượng phương tiện chạy bằng điện và ôtô hybrid (ôtô lai chạy bằng cả xăng và điện) có thể tạo ra sự khác biệt nhỏ trong việc giảm mức tiêu thụ dầu, nhưng những phương tiện như vậy vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ôtô lưu thông trên toàn cầu – khoảng 2%.
Theo ông Glickman, sẽ phải mất một thời gian trước khi xe điện hoặc xe hybrid góp phần làm giảm đáng kể mức tiêu thụ dầu trên thế giới. Ông Glickman dự đoán giá dầu thô trung bình sẽ ở mức từ 95-100 USD/thùng trong tương lai gần.
Khoáng sản tìm kiếm động lực tăng giá
Trung Quốc là động lực thúc đẩy phần lớn nhu cầu về các kim loại quan trọng sử dụng trong ngành công nghiệp như đồng, nhôm, lithium, thép, nickel và kẽm trong hai thập kỷ qua. Do vậy, sự suy giảm gần đây của nền kinh tế Trung Quốc giải thích tại sao giá các kim loại này gần đây lại giảm.
Ví dụ, giá đồng gần đây có giá 3,66 USD/lb, giảm từ mức 4,27 USD/lb vào cuối tháng 1/2023, do nhu cầu từ Trung Quốc giảm (1 lb =0,453 kg).
Các chuyên gia cho biết nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu phục hồi, giá kim loại này có thể sẽ tăng cao hơn.
Tuy nhiên, có một lý do khác để kỳ vọng giá các kim loại công nghiệp sẽ tăng, đó là cuộc cách mạng xe điện sẽ cần rất nhiều nguyên liệu. Ví dụ, pin của ôtô điện sử dụng lượng đồng nhiều gấp bốn lần so với ô tô chạy bằng xăng. Điều này có nghĩa là con đường hướng tới năng lượng sạch của thế giới đòi hỏi lượng lớn khoáng sản quan trọng./.