Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối giằng co trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tiếp tục hồi phục nhẹ, đóng cửa tăng 0,18% lên 2.258 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.900 tỷ đồng.
Giá đậu tương tăng do lo ngại về nguồn cung
Thị trường nông sản diễn biến trái chiều. Trong khi lúa mì và ngô đều cho thấy tín hiệu suy yếu nhẹ, giá đậu tương đón nhận lực mua tương đối tích cực. Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm trong phiên hôm qua, với mức tăng lên tới gần 3%. Lực mua đối với khô đậu được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ sự khởi sắc của giá đậu tương, đặc biệt là sau khi giá khô đậu vượt qua ngưỡng tâm lý 400 USD/tấn. Giá đậu tương tăng 0,83%, đóng cửa ở mức trên 504 USD/tấn.
Nhóm đậu tương nhận hỗ trợ trong bối cảnh dự báo thời tiết vẫn tương đối bất lợi trong cuối tháng 8 tại khu vực sản xuất trong điểm của Mỹ. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát mùa vụ quan trọng hàng năm tại Midwest (Crop Tour 2023) đã kết thúc ngày thứ 3 tại các bang sản xuất đậu tương lớn nhất của Mỹ và Illinois và Iowa, với kết quả không mấy tích cực. Việc doanh số bán hàng của Mỹ tăng mạnh khi niên vụ 22/23 sắp kết thúc cho thấy nhu cầu đậu tương Mỹ đang ở mức cao, thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này. ..
Giá dầu hồi phục sau 3 ngày giảm liên tiếp
Giá dầu biến động tương đối giằng co trong ngày 24/8, trước khi đóng cửa tăng giá, cắt đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Rủi ro nguồn cung toàn cầu thắt chặt, đã thúc đẩy giá phục hồi nhẹ trở lại. Giá dầu WTI chốt ngày với mức giá 79,05 USD/thùng sau khi tăng 0,2%. Giá dầu Brent tăng 0,1% lên sát mốc 83 USD/thùng.
Theo giới phân tích, Saudi Arabia có thể sẽ kéo dài chính sách cắt giảm dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 10 sau 3 tháng thực hiện trước đó, trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn.
Ngân hàng Citigroup cũng cho biết, các thành viên chủ chốt của OPEC có thể cần phải xem xét cắt giảm nguồn cung hơn nữa vì một số quốc gia có hạn ngạch thấp và các thành viên đang chịu lệnh trừng phạt đã bất ngờ gia tăng sản lượng mạnh mẽ.
Năm quốc gia gồm Iran, Iraq, Libya, Nigeria và Venezuela vốn đã phải vật lộn với tình trạng sụt giảm và gián đoạn sản lượng trong vài năm qua, ước tính sẽ bổ sung thêm khoảng 900.000 thùng/ngày vào sản lượng trong năm nay và năm 2024. Con số này mới đủ để đáp ứng sự tăng trưởng sắp tới về nhu cầu dầu mỏ.
Điều này gây ra lo ngại về việc cắt giảm sản lượng sâu hơn từ phía nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia và kéo giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên hôm qua.
Dự trữ dầu toàn cầu, vốn đã gần mức thấp nhất theo mùa trong 6 năm, đã giảm mạnh trong tháng qua với việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và nhu cầu tăng trở lại bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô.
Cụ thể, các kho dự trữ trên bờ trên toàn thế giới ở mức khoảng 3,37 tỷ thùng vào ngày 23/8, giảm khoảng 60 triệu thùng so với một tháng trước đó, theo công ty phân tích năng lượng Kpler. Phần lớn mức giảm xuất phát từ Trung Quốc khi tỉ lệ hoạt động tại các nhà chế biến đã thiết lập để đạt kỷ lục trong tháng này, cho thấy nhu cầu dầu thô vẫn khá tích cực.
Hàng tồn kho trên toàn quốc của Mỹ cũng đã giảm đều đặn trong nhiều tháng và hiện ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022
Trong khi đó, lợi nhuận lọc dầu tại châu Á đã đạt mức cao nhất trong vòng 13 tháng. Cụ thể, biên lợi nhuận để xử lý một thùng dầu thô Dubai tại một nhà máy lọc dầu điển hình của Singapore đã tăng lên 15,05 USD, cao nhất kể từ đầu tháng 7/2022.
Sự cải thiện này phần lớn được thúc đẩy bởi nhu cầu nhiên liệu lọc mạnh hơn trên khắp châu Á khi các nền kinh tế mở cửa sau đại dịch COVID-19, trong đó nhu cầu nội địa của Trung Quốc dẫn đầu. Tuy nhiên, sau loạt dữ liệu kinh tế kém sắc, hãng tin Reuters cho biết đà tăng có thể bắt đầu mất đà trong các tháng tiếp theo.