Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Singapore, thước đo của lĩnh vực sản xuất, tăng cao hơn, lên 50,1 điểm trong tháng 9/2023, tăng từ mức 49,9 điểm của tháng Tám.
Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore ngày 17/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu mới nhất do Viện Quản lý Vật liệu và Mua hàng Singapore công bố, hoạt động sản xuất tại nước này đã lần đầu tiên tăng trưởng sau 6 tháng, tín hiệu cho thấy sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất có thể đã chạm đáy, ngay cả khi ngành công nghiệp điện tử tiếp tục cho thấy sự suy giảm.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI), thước đo của lĩnh vực sản xuất, tăng cao hơn, lên 50,1 điểm trong tháng 9/2023, tăng từ mức 49,9 điểm của tháng Tám. Chỉ số này dưới 50 biểu thị sự suy giảm, trong khi trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.Hoạt động sản xuất tăng trưởng nhờ sự cải thiện dù nhỏ của một loạt chỉ số chính như xuất khẩu, nhập khẩu, sản lượng, hàng tồn kho và đơn hàng tồn đọng, đặc biệt là sự gia tăng trở lại của chỉ số việc làm sau 7 tháng suy giảm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những trở ngại trong lĩnh vực sản xuất của Singapore vẫn tồn tại, do nhu cầu bên ngoài yếu có thể kéo dài đến hết năm 2023. Điều này có thể trầm trọng hơn do điều kiện tài chính thắt chặt xuất phát từ môi trường lãi suất tăng cao, cùng với quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Trung Quốc gặp trở ngại và căng thẳng địa chính trị kéo dài vẫn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, số liệu PMI mới nhất của phân khúc điện tử, vốn chiếm phần lớn hoạt động sản xuất của Singapore, chỉ đạt 49,8 điểm. Điều này khẳng định lại đánh giá rằng phân khúc này vẫn đang trong chu kỳ đi xuống và có thể còn quá sớm để gọi đây là điểm đáy trong hoạt động của ngành điện tử.
Trong khi đó, giá đầu vào tăng có thể do giá dầu thô toàn cầu tăng gần đây vì Nga và Saudi Arabia công bố cắt giảm sản lượng cũng tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của Singapore.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng về sự phục hồi từng bước trong lĩnh vực sản xuất của Singapore trong những tháng cuối năm, khi sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng tồn đọng chắc chắn là tích cực và cho thấy cung và cầu đang dần cân bằng, từ đó có khả năng tạo tiền đề cho tăng trưởng sản xuất của nước này trong năm tới./.