Những ngày này, các nhà vườn hoa, cây cảnh ở tỉnh Hà Tĩnh đang hối hả chuẩn bị để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Theo nhận định của các nhà vườn, nhu cầu tiêu thụ của thị trường năm nay vẫn ổn định nên quá việc cung ứng hoa, cây cảnh đã được chuẩn bị rất kỹ càng.
Nhà vườn trồng lan hồ điệp ở xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà) đóng gói sản phẩm để gửi cho khách hàng ở xa.
Dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng tại vườn lan hồ điệp ở thôn Thanh Lan (xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà) đã tấp nập khách hàng đến tham quan, lựa chọn mua về. Hiện vườn lan này đang có 24 màu hoa lan hồ điệp. Mức giá dao động từ 160.000 – 400.000 đồng/cây. Với những chậu lan được chủ vườn cắm sẵn theo các hình dáng mang tính chất phong thủy có giá từ 3 – 40 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Phương (xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ, gia đình chọn lan hồ điệp để trưng bày trong dịp Tết vì loại cây này có nhiều màu sắc đẹp, phù hợp với không gian của từng nhà. Đặc biệt, loại hoa này có thể trang trí trong thời gian dài, từ 2 – 3 tháng nên ngay từ trước Tết chị đã chọn mua.
Vườn lan hồ điệp tại thôn Thanh Lanh có diện tích rộng khoảng 2.500 m2. Hiện công nhân đang gấp rút chuẩn bị đơn hàng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới với khoảng 38.000 cây.
Anh Phạm Văn Huy, chủ vườn chia sẻ đã xuất bán được hơn 20.000 cây. Ngoài thị trường Hà Tĩnh còn có các đại lý từ Nghệ An, Hà Nội và các tỉnh lân cận đến tìm hiểu, đặt hàng. Dự kiến doanh thu năm nay ước đạt khoảng 8 tỷ đồng.
Vườn lan hồ điệp ở xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà) có khoảng 38.000 cây lan phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Tại làng nghề hoa, cây cảnh Bắc Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) – một trong những làng nghề trồng hoa lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh những ngày này các hộ dân cũng đang tập trung chuẩn bị cho vụ hoa cuối năm. Tại đây, ngoài các loại hoa như ly, lay ơn thì hoa cúc Đà Lạt được người dân trồng nhiều nhất.
Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn Xuân Sơn) cho hay, năm nay gia đình bà trồng hơn 1 sào hoa cúc. Hiện bà đang tập trung chăm cây, ngắt bớt những nụ nhỏ để cho hoa to, đẹp và nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán theo giá thị trường, bình quân khoảng 2.500 – 3.000 đồng/cây, dự kiến năm nay gia đình bà thu về khoảng 30 triệu đồng.
Làng nghề hoa cây cảnh Bắc Sơn còn biết đến là thủ phủ trồng đào phai. Những ngày đầu tháng 1/2024, các hộ trồng đào đang tập trung tuốt lá, cắt tỉa cành để chuẩn bị xuất bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Gia đình bà Trần Thị Thủy (thôn Kim Sơn) hiện có gần 1.000 gốc đào từ 1 – 4 năm tuổi. Hàng năm, vào thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, khi điều kiện thời tiết thuận lợi, tạnh ráo, gia đình bà đã thuê thêm lao động để tập trung tuốt lá, tỉa cành đào.
Bà Trần Thị Thủy chia sẻ, việc tuốt lá nhằm kích thích cây đào phai cho ra thêm nhiều nụ mới. Khi lá đào bị tuốt, toàn bộ dinh dưỡng của cây sẽ tập trung nuôi nụ để đâm chồi nảy lộc và bung nở hoa vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán. Gia đình bà hiện có 300 gốc đào 3 năm tuổi, 100 gốc đào 4 năm tuổi, còn lại là loại 2 năm tuổi. Với những gốc đào 3 tuổi phải tuốt là sớm hơn 10 ngày, còn loại đào 2 tuổi sẽ muộn hơn. Dự kiến giá đào trung bình gốc 3 năm tuổi từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Những cây đào từ 4 năm tuổi sẽ có giá từ 2 – 4 triệu đồng.
Làng nghề hoa, cây cảnh Bắc Sơn gồm các thôn Xuân Sơn, Đồng Vĩnh, Kim Sơn và Tây Sơn thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà). Làng nghề Bắc Sơn có hơn 110 ha trồng hoa, cây cảnh; trong đó, có hơn 600 hộ dân trồng đào với diện tích khoảng 108 ha.
Người dân tại làng nghề hoa, cây cảnh Bắc Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) chăm sóc cây hoa cúc.
Ngoài diện tích chính trồng đào, trên địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn có hơn 70 nhà màng trồng các loại hoa, cây cảnh. Những năm gần đây, các hộ dân đã từng bước được tập huấn nâng cao kỹ thuật, phương pháp chăm sóc, góp phần nâng cao chất lượng các loại hoa, cây cảnh. Mỗi năm, nhờ sản xuất hoa, cây cảnh đã mang lại nguồn thu cho người dân trên 25 tỷ đồng. Đây cũng là loại cây trồng chủ lực của địa phương.