Phát triển chuỗi giá trị ngành tôm

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Bạc Liêu đã và đang xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chuỗi giá trị và trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực này.

Ao nuôi tôm công nghệ cao của người dân tại xã Long Điền Đông, Đông Hải, Bạc Liêu (ảnh tư liệu).

Để hướng đến việc phát triển mang tính bền vững, hài hòa giữa việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh, các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu luôn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo để doanh nghiệp, người nuôi tôm nhận thức rõ và đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng siết chặt quản lý về môi trường, xem đó như một giải pháp cần thiết để bảo vệ ngành nuôi tôm của tỉnh phát triển bền vững.

Ông Phạm Minh Sang, ấp Minh Điền, xã Long Điền Đông cho biết, trước đây, gia đình nuôi tôm theo hình thức ao đất, đến năm 2010 gia đình đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Trong đó, việc phát triển tôm nuôi theo hướng siêu thâm canh thì vấn đề nước thải trong nuôi tôm cũng khiến cho gia đình này rất băn khoăn.

Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, gắn liền với bảo vệ môi trường nên gia đình ông Sang thì được hỗ trợ lắp đặt hầm ủ Biogas cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, vừa đảm bảo được yếu tố môi trường rất tốt. Cái quan trọng nữa là đảm bảo lợi ích kinh tế khi khí thải từ nuôi tôm đã được chuyển hóa thành khí gas để cung cấp khi đốt cho hộ gia đình.

Theo ông Phạm Minh Sang, khi lắp đặt hệ thống hầm ủ Biogas trong các mô hình nuôi siêu thâm canh sẽ giúp cho các hộ nuôi đảm bảo được môi trường nuôi, hạn chế việc phát thải ra môi trường. Bởi trong quá trình nuôi, lượng thức ăn cho tôm hàng ngày có thể từ vài trăm đến vài tấn, nên lượng phát thải cũng rất nhiều nên các hộ nuôi cần phải có hầm ủ Biogas. Khi môi trường nước xung quanh khu vực nuôi được an toàn và đảm bảo thì người nuôi sẽ gia tăng tỷ lệ thành công cao hơn.

Chị Trương Kiều Diễm ở xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, giải pháp hầm ủ Biogas không chỉ giúp giải quyết vấn đề chất thải với khối lượng lớn từ hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh, giảm thiểu tối đa việc xả thải ra môi trường gây ô nhiễm mà gia đình còn tận dụng được nguồn khí từ Biogas phục vụ sinh hoạt. Vừa phát huy lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình nuôi tôm.

Hiện nay, Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất bình quân hơn 22 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm đảm bảo… Mô hình này phát triển mạnh ở các địa phương ven biển như: thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải, Giá Rai.

Dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh cần có vốn đầu tư cao. Vì thế, không phải ai cũng có thể thực hiện được mô hình này. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng đang là một trở ngại không nhỏ. Bởi nuôi tôm siêu thâm canh sử dụng nguồn nước và nguồn thức ăn rất lớn nên chất thải chưa qua xử lý xả ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho rằng, hiện nay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu rất là hiệu quả. Nhưng thông thường như trước đây là bà con nuôi theo quy trình thay nước, tức là nước trong ao nuôi thải ra ngoài. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường của bà con xung quanh và cả những người nuôi siêu thâm canh. Về lâu dài, cần phải phát triển và nuôi tôm áp dụng theo quy trình tuần hoàn nước, vừa đảm bảo môi trường, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi.

Ông Đào Văn Liêm, Giám đốc phát triển Farm, Công ty Công nghệ sinh học Trúc Anh (phường Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) cho rằng, về hướng lâu dài, người nuôi tôm cần hướng đến các quy trình nuôi mang tính chất cạnh tranh sinh học, hạn chế việc tối đa việc sử dụng kháng sinh, hóa chất để sản phẩm đảm bảo chất lượng sạch, đáp ứng được nhu cầu thị trường và có giá cạnh tranh.

Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường được các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty áp dụng theo hình thức khép kín. Đó là khu nuôi được bố trí theo hệ thống gồm: ao ương dưỡng, ao tôm thịt, ao lắng; khu xử lý chất thải được đầu tư hoàn chỉnh để xử lý chất thải triệt để… Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước, đến nay Bạc Liêu được xem là địa phương dẫn đầu về các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với bảo vệ môi trường. Tỉnh Bạc Liêu cũng rất mạnh tay trong việc xửu lý các đơn vị, doanh nghiệp nuôi tôm xả thải, gây hại đến môi trường. Đây cũng là điều kiện tiên quyết và bắt buộc của tỉnh Bạc Liêu trong việc thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đến tỉnh đầu tư trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Tổ chức Bánh mì Thế giới và Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ việc xây dựng hầm ủ Biogas cho 4 xã dự án và các xã nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện, với 248 trường hợp. Qua đó, góp phần giải quyết việc xử lý môi trường trong ao nuôi siêu thâm canh của các xã trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, trước khi thực hiện dự án, địa phương chưa hình dung được mức độ phức tạp của dự án dưới các góc độ nghiên cứu khoa học, cơ chế chính sách và thách thức trong việc đi đầu xây dựng sản phẩm tôm có chứng nhận phát thải thấp. Thông qua dự án, nông dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu, cùng nhau củng cố và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, áp dụng các giải pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường quản lý chất thải rắn từ các ao nuôi tôm.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, để đạt được mục tiêu bền vững, các hoạt động nuôi trồng thủy sản cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi của các nguồn tài nguyên thủy sản. Bên cạnh phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, Bạc Liêu cũng đang chú trọng phát triển các loại hình nuôi tôm giảm phát thải khí nhà kính như: tôm – lúa quảng canh, tôm rừng quảng canh…

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, kim ngạch xuất khẩu năm 2023, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,21% so cùng kỳ; trong đó, tôm đông ước đạt 973,6 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 17,26% so cùng kỳ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tỉnh Bạc Liêu có 3 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm, gạo và muối. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm, chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn và thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu cao như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước” hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu” và để thực hiện thành công nâng cao, phát triển chuỗi giá trị ngành tôm Bạc Liêu trong thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất thủy sản gắn với bảo vệ môi trường nhằm tăng năng suất, chất lượng và phát triển bền vững.

Theo: baotintuc.vn
Spread the love
Back To Top