Dự kiến năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang sẽ xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang, Bắc Giang).
Khách thăm quan tại điểm trưng bày vải.
Ngày 7/6, Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vải thiều trong và ngoài tỉnh Bắc Giang.
Huyện Lục Ngạn là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước và tỉnh Bắc Giang, mùa vụ năm 2023 có tổng diện tích trên 17 nghìn ha trồng vải chuyên canh. Dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện đạt khoảng 98 nghìn tấn; trong đó, vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25 nghìn tấn; thời vụ thu hoạch bắt đầu từ ngày 25 tháng 5 đến cuối tháng 7 năm 2023.
Hiện nay, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 88 mã số vùng trồng đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch (gồm các thị trường: Trung Quốc
35 mã; Mỹ, Australia, EU 19 mã; Nhật Bản 32 mã; Thái Lan 2 mã). Trên địa bàn huyện có 173 cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện hoạt động xuất khẩu.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn La Văn Nam khẳng định, với chất lượng vượt trội, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu đến gần 40 quốc gia và khu vực trên thế giới. Với phương châm coi trọng tất cả các thị trường, cả trong nước, nước ngoài, huyện có nhiều đổi mới trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Năm nay, người dân trồng vải Lục Ngạn đã chuẩn bị tốt nhất về chất lượng sản phẩm để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ của tất cả các doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng. Đồng thời, huyện Lục Ngạn cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong hoạt động thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm vận chuyển, xuất khẩu vải thiều, đề xuất một số giải pháp liên quan đến thủ tục thông quan qua cửa khẩu.
Dự kiến năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang sẽ xuất khẩu bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang, Bắc Giang). Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt Ratraco (đơn vị vận hành ga Kép) cho biết, hiện nay các điều kiện để vận chuyển vải thiều bằng đường sắt qua ga liên vận quốc tế Kép sang Trung Quốc như hạ tầng, container, toa xe và các điều kiện khác đã sẵn sàng, công ty đang làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc để hợp tác.
Dự kiến trung bình một ngày có thể vận chuyển được 300 tấn vải từ ga Kép (Lạng Giang) sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Việc vận chuyển bằng đường sắt sẽ giúp thời gian di chuyển nhanh hơn, khắc phục được tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, nhờ đó chất lượng quả vải sẽ được đảm bảo hơn.
Cam kết sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều của Bắc Giang trong năm nay, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch xúc tiến Tập đoàn Central Retail cho biết, để đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, Central Retail hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp của tỉnh Bắc Giang về các điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market….
Đẩy mạnh hợp tác với các trang thương mại điện tử và app GO!, Big C, Tops Market để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tại siêu thị GO! Tập đoàn sẽ chú trọng vào việc trưng bày các ụ vải thiều bắt mắt, ngay tại lối ra vào siêu thị để người tiêu dùng thuận tiện, dễ dàng mua sắm vải thiều.
Ngoài ra, vụ vải thiều năm nay, Tập đoàn cũng xúc tiến xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Thái Lan – thông qua hệ thống bán lẻ.
Đánh giá cao sự vào cuộc rất chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, đây là minh chứng khẳng định các cấp chính quyền luôn quan tâm, dành sự hỗ trợ cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương nhân và doanh nghiệp tiêu thụ tốt vải thiều trong thời gian tới; góp phần lan tỏa tiêu thụ tốt các nông sản khác của huyện.
Ông Phan Thế Tuấn đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục đàm phán, giúp xuất khẩu chính ngạch các sản phẩn nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ, định hướng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ; thông tin các chính sách xuất khẩu sang thị trường các nước; hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tiếp cận công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch phù hợp. Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh; tiếp tục quan tâm phối hợp thực hiện liên kết vùng, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, chuỗi phân phối, tiêu thụ nội địa; giới thiệu cho Bắc Giang các doanh nghiệp, thương nhân có tiềm lực, kinh nghiệm đến tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, ông Phan Thế Tuấn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện Lục Ngạn và các địa phương vùng trồng vải trong tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn người trồng tiếp tục thực hiện đúng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất và an toàn từ khâu sản xuất, thu mua, lưu thông, tiêu thụ; tiếp tục chủ động trong khâu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường cả trên các kênh truyền thống và các sàn thương mại điện tử; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng ngành đường sắt Việt Nam, hải quan, quản lý cửa khẩu; các công ty khai thác vận tải đường sắt, các doanh nghiệp … để vận chuyển vải thiều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hệ thống đường sắt; giảm tải áp lực xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu đường bộ.
Nhân dịp này, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã ký biên bản thỏa thuận hợp tác kết nối tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm 2023 và những năm tiếp theo; cắt băng xuất hành đưa vải thiều đi tiêu thụ tại các thị trường.