Năm 2024, tại An Giang có khoảng 30 doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, lúa nếp cho nông dân với diện tích 430.989 ha, tăng rất mạnh so năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp tại An Giang đang đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân, hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024.
Năm 2024, tại An Giang có khoảng 30 doanh nghiệp có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, lúa nếp cho nông dân với diện tích 430.989ha, tăng rất mạnh so năm 2023 (năm 2023 diện tích liên kết hơn 110.000ha); trong đó, vụ Đông Xuân liên kết sản xuất và tiêu thụ gần 144.200ha, Hè Thu 147.540ha và Thu Đông 139.260ha.
So với năm 2023, kế hoạch liên kết sản xuất trong năm 2024 đã tăng mạnh về diện tích thực hiện. Nhiều công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết phải tập trung phát triển, nhân rộng thêm diện tích ký kết hợp đồng với người dân để đáp ứng các chỉ tiêu đề ra.
Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tăng diện tích liên kết thêm diện tích 267.750ha, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) tăng thêm 15.211 ha, Công ty cổ phần Quốc Tế Gia tăng thêm 12.671ha, Công ty Đại Dương Xanh tăng thêm trên 6.000ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hiệp Ngọc tăng thêm gần 6.000ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xay xát Ba Đạt tăng thêm trên 4.920ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn ADC tăng thêm 3.900ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex Kitoku tăng thêm trên 1.900ha… Riêng 17 doanh nghiệp sản xuất lúa giống trên địa bàn tỉnh An Giang cũng tăng thêm trên 34.000ha.
Đối với rau màu các loại như bắp non, đậu nành, rau…, năm 2024 An Giang có 8 doanh nghiệp lớn có kế hoach liên kết và tiêu thụ với diện tích gần 40,8 ha tập trung ở các huyện Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành…
Cụ thể, vụ Đông Xuân liên kết và tiêu thụ hơn 15,7ha, vụ Hè Thu hơn 13,7ha và vụ Thu Đông hơn 11,2 ha; trong đó, diện tích thông qua liên kết với thương lái tiêu thụ tại các chợ, siêu thị từ 10.000 ha/vụ.
Riêng sản lượng cây ăn trái các loại như xoài, mít, cây có múi, nhãn, chuối thực hiện liên kết và tiêu thụ 140.000 tấn; trong đó có 14 doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ 25.500 tấn; sản lượng còn lại được tiêu thụ thông qua các vựa xoài, thương lái và siêu thị như Co.op mart, Bách hóa xanh, Winmart, Mega Market Long Xuyên… khoảng 114.500 tấn.
Nhằm đẩy mạnh liên kết kinh doanh với các công ty, doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn An Giang cho biết, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Đồng thời, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, vùng liên kết, chủ động tăng diện tích triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt phù hợp, đáp ứng với diện tích xuống giống năm 2024.
“Để triển khai hợp đồng liên kết hiệu quả và đạt kế hoạch, ngành nông nghiệp địa phương đề nghị các công ty, doanh nghiệp tham gia hợp đồng liên kết cải thiện nhiều nội dung như: thanh toán nhanh tiền mua lúa cho nông dân, chi hoa hồng cụ thể cho hợp tác xã, tuân thủ thời gian thu hoạch đúng theo biên bản chốt giá…,” ông Hinh cho biết.
Nâng cao hiệu quả liên kết, tiêu thụ với doanh nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cho biết sẽ tập trung rà soát vùng trồng rau màu tập trung, đặc biệt là ớt và khoai lang tím để đề xuất Cục Bảo vệ Thực vật cấp mã số vùng trồng; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rau (code) theo nhu cầu đăng ký doanh nghiệp; tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất rau, màu trong nhà lưới, nhà màng nhằm hạn chế sâu bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đối với cây ăn trái, ông Lâm cho biết, ngành nông nghiệp sẽ xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc…
Ngành cũng tăng cường biện pháp kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất cây ăn trái phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung vận động nông dân tham gia liên kết tiêu thụ và thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại An Giang.
Tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện các tổ khuyến nông cộng đồng để thực hiện tốt việc phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong hình thành, vận động của chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; hướng đến hình thành các vùng sản xuất lớn và ổn định.
Năm 2023, An Giang xuống giống hơn 616.000ha lúa, nếp, tăng hơn 8.800ha so cùng kỳ năm 2022; trong đó, cơ cấu giống lúa chất lượng cao và lúa thơm chiếm hơn 75% diện tích sản xuất.
Năng suất lúa ở An Giang dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lúa cả năm 2023 đạt gần 4,1 triệu tấn (tăng hơn 152.000 tấn so cùng kỳ). Đối với cây ăn trái, diện tích gieo trồng đạt gần 20.000ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 234.000 tấn, tăng 16.000 tấn. Trong khi đó, rau màu các loại gieo trồng gần 49.600 ha, tăng hơn 1.080 ha, năng suất ổn định.
Trong năm 2023, An Giang có 30 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đăng ký liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với diện tích 96.601ha; trong đó có trên 41.100ha vụ Đông Xuân, gần 33.700ha vụ Hè Thu và gần 22.800ha vụ Thu Đông.
Các doanh nghiệp hiện đang đẩy mạnh thu mua vụ Thu Đông. Ứớc đến ngày 31/12/2023, diện tích liên kết lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang đạt gần 110.000ha.
Đối với rau màu, có 10 doanh nghiệp, cùng các hợp tác xã, chợ đầu mối, siêu thị, thương lái liên kết sản xuất, tiêu thụ. Các đầu mối liên kết tiêu thụ cây ăn trái với diện tích gần 17.800ha, nhiều nhất là xoài với diện tích gần 14.850ha. Còn lại khoảng 2.950ha là chuối, nhãn, sầu riêng, mít, cây có múi./.