Bài 2: Xây dựng chiến lược sử dụng Big data như thế nào cho hiệu quả?

Mục tiêu doanh nghiệp của bạn làm gì khi có dữ liệu lớn (big data)?

Giống như các loại hình công nghệ thông tin khác, dữ liệu lớn có thể giảm đáng kể các chi phí, rút ngắn rất nhiều thời gian cần thiết trong việc tính toán hoặc việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm mới. Ngoài phân tích truyền thống thì dữ liệu lớn sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc quyết định đưa ra định hướng phát triển của doanh nghiệp. Việc trả lời câu hỏi doanh nghiệp của bạn muốn gì từ dữ liệu lớn là điều quan trọng, bởi lợi ích tài chính và đóng góp của dữ liệu big data là rất lớn.

Giảm chi phí vận hành

Sự hỗ trợ của các công nghệ dữ liệu lớn giúp tối ưu chi phí nhân sự đối với các vị trí có thể thay thế, nhưng nếu doanh nghiệp chủ yếu quan tâm tới việc cắt giảm chi phí, khi đó đơn giản là áp dụng các công cụ dữ liệu lớn thôi là chưa đủ, bởi chi phí để vận hành hệ thống khai thác dữ liệu lớn là không nhỏ, nhất là khi doanh nghiệp chưa có sự thay đổi cơ bản về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mình. Do vậy, các doanh nghiệp cần có một tầm nhìn sâu rộng hơn về vấn đề chi phí vận hành. Cắt giảm chi phí vận hành có thể là mục tiêu thứ hai sau khi đã đạt được mục tiêu đầu tiên là đổi mới các sản phẩm và dịch vụ của mình phù hợp với nhu cầu thị hiếu người dùng với dữ liệu lớn.

Tiết kiệm thời gian

Mục tiêu phổ biến của doanh nghiệp với dữ liệu lớn là tiết kiệm thời gian cần thiết để thực hiện đầy đủ các quy trình sản xuất sản phẩm hay thực hiện dịch vụ. Ứng dụng dữ liệu lớn (big data) để tối ưu hóa quy trình. Nhưng câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp sử dụng quỹ thời gian đã tiết kiệm được trong việc rút ngắn quy trình để làm gì? Doanh nghiệp sử dụng để vận hành đồng thời nhiều quy trình hơn với cùng một lượng nhân sự phù hợp hiện có. Doanh nghiệp có thể phản ứng nhanh hơn với các tình huống bất ngờ diễn ra. Doanh nghiệp sử dụng nhiều giải pháp hơn nhờ vào việc thu thập dữ liệu lớn để điều chỉnh mô hình thường xuyên hơn, để có nhiều giải pháp tốt nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ.

Phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới

Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp có thể là phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên kết quả phân tích, ứng dụng dữ liệu lớn (big data).

Nếu nghiêm túc trong việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới với dữ liệu lớn, các doanh nghiệp sẽ phải tạo ra một nền tảng các công cụ, công nghệ và nhân sự xuất sắc trong việc thao tác, phân tích dữ liệu lớn, ngoài ra cần có hệ thống hạ tầng đủ mạnh là công cụ cốt lõi không thể thiếu. Ngoài ra, phải có quy trình xây dựng bảng cấu trúc dữ liệu lớn để thực hiện cập nhật thông tin một cách hiệu quả với từng doanh nghiệp. Thông thường, phát triển sản phẩm, dịch vụ sẽ được xem như là khoản đầu tư chứ không được xem như cơ hội tích lũy, do vậy doanh nghiệp không tiết kiệm được nhiều thời gian hay chi phí trong việc khai thác dữ liệu lớn, nhưng có thể sẽ giúp tăng tổng doanh thu lên một cách hiệu quả.

Hỗ trợ đưa ra các quyết định kinh doanh

Mục tiêu chủ yếu của việc phân tích các dữ liệu nhỏ truyền thống để hỗ trợ việc đưa ra các quyết định kinh doanh. Nhưng với sự cạnh tranh, thì việc tìm kiếm khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ là điều quan trọng đối với doanh nghiệp.

Các nguồn dữ liệu dựa trên hành trình trải nghiệm của khách hàng trên các nền tảng đa kênh như lượt nhấp chuột vào các nhóm sản phẩm, sự lặp lại việc truy cập vào các app hay trang website, thói quen mua sắm tại các khu vực, địa điểm cụ thể,…tất cả thường không có cấu trúc rõ ràng. Nhưng các doanh nghiệp cần phải xây dựng được bản mô tả chân dung khách hàng của mình và đảm bảo rằng sản phẩm, dịch vụ của mình thường xuyên được tương tác với khách hàng mục tiêu.

Tất cả yêu cầu trên là một bài toán phức tạp cần phải xử lý, quyết định kinh doanh sử dụng dữ liệu lớn có thể bao gồm phân tích truyền thống tin cậy khác nhau, kết hợp sử dụng một lượng lớn các dữ liệu từ bên ngoài để nâng cao kết quả phân tích. Các nguồn dữ liệu bên ngoài có thể bổ sung thông tin liên quan đến năng lực kỹ thuật, sức khỏe tài chính, quản lý vận hành, độ tin cậy trong giao hàng, các rủi ro về chính trị, danh tiếng trên thị trường và thông lệ thương mại quốc tế,…các doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn dữ liệu lớn sẽ có lợi trong việc kiểm soát được các nhà cung cấp của chính họ, ngoài ra còn có thể kiểm soát được các nhà cung cấp của những nhà cung cấp đó.

Thúc đẩy xúc tiến thương mại, dịch vụ

Thông tin thị trường và cạnh tranh thương mại là khá trực quan. Tuy nhiên, thông qua việc khai thác hiệu quả dữ liệu lớn (big data) và phân tích theo hướng hệ thống đối với từng mục tiêu cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả khi ra các quyết định chiến lược.

Các yếu tố thị trường mục tiêu từng là những thông tin bí ẩn, nhưng với dữ liệu lớn điều này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, cho phép các doanh nghiệp phân tích các xu hướng, phân khúc, mô hình hóa quản trị,…tạo thành bộ dữ liệu lớn, từ đó các doanh nghiệp có thể dẫn dắt và đón đầu xu hướng, thay vì thụ động để phản ứng phòng vệ như trước.

Giá cả sản phẩm, dịch vụ là một yếu tố quan trọng của cạnh tranh trong kinh doanh, đã mang lại thành công lớn cho nhiều doanh nghiệp, do vậy luôn được đưa vào thu thập, phân tích thương xuyên và liên tục. Việc tối ưu hóa giá cả sản phẩm, dịch vụ thực hiện với các dữ liệu được cấu trúc dựa trên các giá bán ra của các loại hàng hóa trong quá khứ, sự kết hợp dữ liệu của việc chi tiêu tại thời điểm hiện tại  sẽ là yếu tố cốt lõi để định giá sản phẩm, dịch vụ. Việc định giá các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp để so sánh đối với các mức giá của đối thủ cạnh tranh thông qua các thuật toán định giá để tính hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Như vậy, việc xây dựng chiến lược khai thác dữ liệu lớn (big data) dựa trên hai hoạt động chính. Một là khám phá, tìm hiểu và phân tích xem trong dữ liệu của doanh nghiệp đang có những gì để sử dụng vào việc mang lại lợi ích cho tổ chức, doanh nghiệp. Hai là khai thác dữ liệu đưa vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng hiệu quả./.

Nguyễn Bình
Theo: Thương gia & Thị trường
Spread the love
Back To Top