Dự kiến lập thêm 14 khu bảo tồn biển

Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Dự thảo Đề án mở rộng, thành lập mới các KBTB đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ có thêm 14 khu bảo tồn biển (KBTB).

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 27 KBTB với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 442.235 ha, chiếm khoảng 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Trong đó có 11 KBTB cấp quốc gia, gồm: 05 KBTB đã thành lập là: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nam Yết và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa); thành lập mới 06 KBTB là vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà – Long Châu (Hải Phòng), Gò Đồi Ngầm (Quảng Bình), Thuyền Chài, Song Tử (Khánh Hòa). KBTB cấp tỉnh có 16 khu, trong đó thành lập mới 08 KBTB là: Cà Mau, Hòn Ngư – Đảo Mắt (Nghệ An), Hải Vân – Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Hải Tặc, Nam Du – Hòn Sơn (Kiên Giang).

Đề án cũng đưa ra mục tiêu quản lý hiệu quả 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn khoảng 2,5% diện tích; thành lập và đưa vào hoạt động các khu vực áp dụng biện pháp bảo tồn hiệu quả đạt khoảng 0,5% diện tích; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển để bảo đảm tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển đạt khoảng 1,5%; mở rộng diện tích vùng biển phục hồi các hệ sinh thái biển đạt khoảng 1% diện tích các vùng biển Việt Nam. Tổng diện tích chiếm 6% diện tích biển Việt Nam.

Các hệ sinh thái biển, ven biển bao gồm hệ thống KBTB được thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là cơ sở hạ tầng tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển… Việc mở rộng diện tích các KBTB trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Nhằm quản lý hiệu quả các KBTB, hiện, ngoài các giải pháp ở cấp Trung ương, các tỉnh, thành phố có KBTB đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý, kế hoạch tổng thể và quy định của pháp luật có liên quan để bảo vệ KBTB.

B.Thọ
Theo: Bộ TN&MT
Spread the love
Back To Top