Nhà vật lý thiên văn Avi Loeb từ Đại học Harvard (Mỹ) là người dẫn đầu một cuộc thám hiểm được tài trợ bởi tỉ phú tiền điện tử Charles Hoskinson, nhằm trục vớt các quả cầu từ tính ở Thái Bình Dương.
TS Avi Loeb nổi tiếng bởi những nghiên cứu, sách nói về các nền văn minh ngoài hành tinh. Trong đó, gây chú ý nhất là các phân tích liên quan đến Oumuamua, một tiểu hành tinh từ ngoài hệ Mặt Trời tiến gần Trái Đất vài năm trước. Ông cho rằng đó là tàu vũ trụ do thám.
Vật thể IM1, một quả cầu bí ẩn có thể đến từ hệ sao khác – Ảnh: AVI LOEB
Trong tuyên bố mới, TS Loeb cho biết đã gặt hái được “trải nghiệm ly kỳ nhất trong sự nghiệp khoa học”. Ông đã dẫn đầu một cuộc thám hiểm được tài trợ bởi tỉ phú tiền điện tử Charles Hoskinson, nhằm trục vớt các quả cầu từ tính ở Thái Bình Dương.
Đó là các quả cầu cực nhỏ làm bằng sắt, ma-giê và titan, được cho là các mảnh của thiên thạch, theo Live Science. Khoảng 50 quả cầu đã được nhóm của TS Loeb tìm thấy.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội gần đây, nhà khoa học Harvard gọi một trong 50 quả cầu mà nhóm thu thập được là “Sao băng giữa các vì sao 1” (IM1), đến từ một hệ sao khác.
Ông cũng cho biết mình nghĩ rằng nó có khả năng chứa “dấu vết kỹ thuật của người ngoài hành tinh”, tức dấu hiệu của các công nghệ không phải do con người tạo ra. Thông tin trên được ông Loeb đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Daily Beast.
Một chuyên gia thiên thạch độc lập từ Đại học Western Ontario (Canada) Peter Brown cho biết trong một thế kỷ qua, nhân loại đã biết rằng nếu dùng một chiếc cào từ tính cào dưới đáy đại dương, nó sẽ thành thỏi nam châm giúp kéo hàng loạt quả cầu rơi xuống từ ngoài Trái Đất lên.
Tuy nhiên, ông cho rằng khó lòng xác định những quả cầu này đến từ hiện tượng cụ thể nào.
IM1 được cho là tàn tích của một quả cầu lửa bùng cháy trên bầu trời Papua New Guinea vào năm 2014. Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA đã phát hiện cú rơi cũng như tính toán tốc độ và quỹ đạo của nó.
Một nghiên cứu mà TS Brown tham gia gần đây cũng cho rằng IM1 có thể là vật thể giữa các vì sao bởi nó có tốc độ và quỹ đạo khác thường.