Theo một báo cáo mới đây, các sông băng ở dãy núi Hindu Kush của Himalaya đang tan chảy nhanh chóng và có thể mất đến 80% thể tích vào cuối thế kỷ này nếu không giảm được lượng khí thải nhà kính.
Sông băng Passu, một trong những sông băng đang tan chảy tại Himalaya. Ảnh: TM
Băng tan ở Himalaya ảnh hưởng tới gần 1,7 tỷ người
Việc băng tan sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho gần 2 tỷ người sống dưới chân núi và ảnh hưởng tới nguồn nước từ 12 con sông lớn chảy qua 16 quốc gia ở châu Á.
Báo cáo do Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi Tích hợp có trụ sở tại Kathmandu công bố vào thứ Ba ngày 20/6 cho biết, nguy cơ lũ quét và tuyết lở sẽ tăng lên trong tương lai gần và nguồn nước ngọt sẽ bị thiếu hụt cho 240 triệu người sống ở vùng núi và 1,65 tỷ người khác sống ở hạ lưu.
Theo bà Amina Maharjan, chuyên gia di cư, một trong những tác giả của báo cáo nói: “Những người sống ở vùng núi này, những người gần như không gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, lại phải chịu những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Những biện pháp thích ứng hiện nay là không đủ và chúng tôi rất lo lắng rằng nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, những cộng đồng này sẽ không thể tồn tại”.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng những vùng trên Trái đất được phủ bởi băng là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Các sông băng trên đỉnh Everest đã mất đi lớp băng dày hàng nghìn năm chỉ trong vòng 30 năm qua.
Bà Maharjan cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi khám phá ra mối quan hệ giữa sự biến đổi của Tầng lạnh và ảnh hưởng của nó đến nước, hệ sinh thái và xã hội ở vùng núi này”.
Biến đổi khí hậu đã gây ra băng tan ở Himalaya
Báo cáo hôm thứ Ba đã chỉ ra, các sông băng ở dãy Himalaya đã tan chảy nhanh hơn 65% so với thập kỷ trước kể từ năm 2010. Do sự nóng lên toàn cầu làm giảm độ phủ tuyết, lượng nước ngọt cho người dân sống ở hạ lưu cũng sẽ giảm theo. Có khoảng 200 hồ băng trên những ngọn núi này được xem là nguy hiểm và có thể gây ra lũ lụt đột ngột do hồ băng vỡ vào cuối thế kỷ này.
Nghiên cứu cũng cho thấy các cộng đồng ở vùng núi này chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới. Báo cáo kết luận, những thay đổi do sự nóng lên toàn cầu gây ra cho sông băng, tuyết và băng vĩnh cửu của khu vực Hindu Kush Himalaya là “chưa từng có và phần lớn không thể đảo ngược”.
Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho các cộng đồng sống ở Himalaya. Vào đầu năm nay, một thị trấn nằm trên vùng núi cao của Ấn Độ tên là Joshimath đã bị sụt lún và buộc người dân phải sơ tán trong thời gian ngắn.
Theo bà Pam Pearson – Giám đốc Sáng kiến Khí hậu Tầng lạnh Quốc tế, người không liên quan đến báo cáo này, việc băng tan ở những khu vực như vậy là không thể đảo ngược được. “Nó giống như một con tàu lớn trong đại dương. Một khi băng bắt đầu di chuyển, rất khó để dừng lại. Vì vậy, các sông băng, nhất là những sông băng lớn ở dãy Himalaya, sẽ tiếp tục mất đi khối lượng trong một khoảng thời gian dài sau khi chúng bắt đầu ổn định lại”.
Bà Pearson cũng nhấn mạnh, việc giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là rất quan trọng đối với sự tồn tại của tuyết, băng vĩnh cửu và băng. Đây là mục tiêu đã được các nước thế giới cam kết tại hội nghị khí hậu Paris năm 2015.