“Đó không phải là một cột mốc quan trọng mà chúng ta nên ăn mừng. Đó là bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái”
Mặt trời lặn nhìn từ bãi biển Bondi, Sydney, Australia. Ảnh: Getty Images
Theo dữ liệu do Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEP) công bố, thế giới vừa trải qua ngày nóng nhất chưa từng thấy vào ngày 3/7, khi nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu.
NCEP cho biết họ đã ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C vào ngày 3/7. Con số này vượt qua mức kỷ lục trước đó là 16,92 độ C vào tháng 8/2016.
Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto nhận xét: “Đó không phải là một cột mốc quan trọng mà chúng ta nên ăn mừng. Đó là bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái”.
Cảnh báo nguy hiểm này được đưa ra trong bối cảnh nhiều bang miền Nam nước Mỹ vẫn chìm trong tình trạng nắng nóng gay gắt. Corpus Christi, một thành phố ở bang Texas, đã báo cáo mức nhiệt cao kỷ lục vào tháng 6 là 51 độ C. Nhiệt độ tương tự cũng được ghi nhận ở Oklahoma, Arkansas, Missouri và Louisiana.
Trong khi đó, Trung Quốc đã chứng kiến một đợt nắng nóng kéo dài, trong đó Bắc Kinh đã trải qua gần 10 ngày nắng nóng liên tục với nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Một số khu vực ở Bắc Phi ghi nhận nhiệt độ lên tới 50 độ C.
Ngay cả Nam Cực, khu vực đang trong mùa đông, gần đây cũng trải qua nhiệt độ tương đối dễ chịu là 8,7 độ C, phá vỡ kỷ lục của tháng 7.
Các nhà khoa học khí hậu nói rằng biến đổi khí hậu, cùng với kiểu thời tiết ấm áp El Nino, là nguyên nhân gây ra nhiệt độ cao bất thường.
Nhà nghiên cứu Zeke Hausfather tại nhóm phân tích dữ liệu nhiệt độ Berkeley Earth nhận định rằng hiện tượng thời tiết bất thường đang diễn ra chỉ là những sự kiện đầu tiên trong hàng loạt kỷ lục mới có thể xảy ra trong năm nay.