Cùng bắt tay, nhìn về một hướng, giúp nhau phát triển là mục tiêu mà báo chí và doanh nghiệp (DN) cùng hướng tới. Vì vậy, tính độc lập, khách quan, chân thực là những yêu cầu đặt ra với báo chí khi đồng hành cùng DN trong giai đoạn hiện nay.
Định hướng dư luận khách quan, chân thực
Chọn thị trường thực phẩm sạch để chinh phục, anh Nguyễn Văn Chữ – Chủ tịch chuỗi thực phẩm sạch Organicgreen đã lường trước những chông gai mà mình phải đối mặt. Trong đó, điều mà anh Chữ cảm thấy khó nhất chính là thay đổi thói quen cố hữu của người tiêu dùng, đưa thực phẩm sạch đến gần hơn với người dân.
Xác định truyền thông đóng vai trò quyết định trong dự án kinh doanh của mình, chính vì vậy, ngay khi bắt tay vào làm mảng này, việc đầu tiên trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này đó là “truyền thông đi trước một bước”. “Đối với chúng tôi, việc làm ra sản phẩm sạch đã khó, nhưng việc định hướng tiêu dùng lại càng khó hơn. Nếu sản phẩm làm ra không tiếp cận được người tiêu dùng thì coi như thất bại” – anh Chữ nói.
Các DN dựa vào báo chí để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng
Cũng theo anh Chữ, thông qua báo chí đã giúp người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn tới quy trình sản xuất, cách thức tạo ra thực phẩm tiêu dùng hàng ngày và đề cao vấn đề an toàn và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, những lo ngại về vấn đề toan toàn thực phẩm cũng là đề tài thu hút, rất dễ bị khai thác và cường điệu hóa. Điều đó cho thấy trách nhiệm của báo chí trong việc cung cấp thông tin một cách khoa học, đầy đủ ngày càng trở nên quan trọng, giúp công chúng có kiến thức trước khi đưa ra những lựa chọn tiêu dùng thông minh.
Chia sẻ vai trò của báo chí trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, Giám đốc Công ty Golden Smile Travel Nguyễn Trần Hoài Phương cho hay: Việc thông tin quảng bá của thương hiệu nào truyền tải đến khách hàng nhanh nhất, nhiều nhất, thì sản phẩm của thương hiệu đó sẽ gây được ảnh hưởng đối với người tiêu dùng và đảm bảo 50% thành công. Do đó, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, truyền tải thông điệp đến với công chúng, góp phần quan trọng quyết định một phần thành công hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, báo chí cũng luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong ngành du lịch lữ hành chuyên kinh doanh, khai thác các sản phẩm vô hình thì vai trò của báo chí lại càng cần thiết hơn, bởi bằng những bài viết, hình ảnh hay những thước phim của mình các nhà báo sẽ giúp du khách có những cảm nhận nhất định khi chọn đến với các sản phẩm du lịch, thúc đẩy hoạt động kinh doanh du lịch phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phản ánh các sự kiện, ý kiến doanh nghiệp, báo chí nên chắt lọc thông tin, xử lý và lựa chọn những thông tin nào nên đăng và không đăng lên báo. Qua đó, góp ý vào việc xây dựng, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch cho doanh nghiệp, cũng như mở rộng đối tượng khách hàng, đón nhận sản phẩm dịch vụ một cách tích cực hơn.
Khẳng định lại vai trò của báo chí với doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội nhấn mạnh: Báo chí là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và Hiệp hội, thông tin được chia sẻ, phản biện chính sách phát huy được hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, báo chí luôn đồng hành với nhiều sự kiện của Hiệp hội trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ đó giúp Hiệp hội có nhiều sân chơi bổ ích cho doanh nghiệp như: Cafe Doanh nhân; xúc tiến thương mại giao thương nội khối; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ doanh nghiệp; tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp thường niên với lãnh đạo TP và Trung ương.
Mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời
Nhận định về mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp luôn được báo chí quan tâm và cộng đồng này cũng luôn cần, thân thiết và thậm chí cả “ngại ngần” với báo chí như hiện nay. Trước hết đó là các bài viết kịp thời và tâm huyết, có trách nhiệm của báo chí khiến doanh nghiệp được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và tăng cường gắn bó, trở nên nổi tiếng và phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn.
Đồng thời, các thông tin và phản ánh “trái chiều” của báo chí cũng ngày càng có ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến một doanh nghiệp đang huy hoàng trở nên lụi tàn và phá sản. Bên cạnh đó, các thông tin thị trường và tình hình biến động của chính sách, môi trường và kinh nghiệm kinh doanh được phản ánh trên báo chí đã, đang và sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cập nhật, đầy đủ và chính xác hơn, từ đó góp phần định hướng và điều chỉnh chiến lược, chính sách và cách thức kinh doanh phù hợp, nhạy bén hơn với các nhu cầu và triển vọng thị trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quyền lực của báo chí trong đời sống kinh tế-xã hội nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng trong kinh tế thị trường hiện nay cũng dễ gây ra một số tác động mặt trái cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả xã hội từ những ngộ nhận hay lạm dụng của giới báo chí. Đó có thể là hiện tượng coi thường doanh nghiệp và bạn đọc khi bài báo đưa tin thiếu khách quan, thiếu chính xác và thiếu kiểm chứng, do thiếu trách nhiệm hay nghiệp vụ yếu. Một số báo chí lợi dụng, dọa dẫm, sách nhiễu, vụ lợi doanh nghiệp, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật, bị xử lý. Ngược lại, cũng có hiện tượng doanh nghiệp mượn tay báo chí và phóng viên thực hiện những phi vụ lạm dụng, lừa đảo đối tác, khách hàng, thậm chí cả cơ quan quản lý các cấp, thông qua những hợp đồng viết bài pr, quảng cáo DN và sản phẩm quá mức, sai thực tế…
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, các cơ quan báo chí, cần nhận thức đúng đắn hơn sứ mệnh và quan điểm phục vụ, hài hòa hơn các góc độ thông tin, và cân bằng hơn quyền lợi với trách nhiệm của mình đối với bạn đọc và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần thực hiện giải pháp đồng bộ và đột phá hiệu quả, thiết thực hơn trong quy trình và chuẩn mực nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp, nâng cao chất lượng phóng viên và các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu những lạm dụng và yếu kém về nghiệp vụ, gây tổn hại đến uy tín báo chí, quyền lợi chính đáng của bạn đọc và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông đối với sự phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trước hết cần tạo quan hệ gắn kết, đồng hành hơn nữa giữa báo chí với cộng đồng doanh nghiệp; luôn xác định trách nhiệm xã hội, không ngừng cổ vũ đội ngũ doanh nhân, với khát khao xây dựng một Việt Nam hùng cường, mạnh mẽ phát triển nền kinh tế số, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Mặt khác, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung thể hiện, phương thức hoạt động, không ngừng xây dựng lòng tin, luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy trong hoạt động phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Thông tin cần bám sát thực tiễn đời sống, phản ánh chân thật, khách quan, sinh động trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh phản ánh những việc làm được, cần phản ánh cả những mặt chưa làm được để rút kinh nghiệm và có giải pháp phù hợp. Đồng thời các cơ quan báo chí cũng cần thích ứng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để thông tin được truyền tải kịp thời tới bạn đọc.