Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng vọt lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây do nguồn cung khan hiếm trên quy mô toàn cầu. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu nhóm ngành gạo cũng đang có đà tăng ấn tượng, vượt trội so với thị trường chung.
Giá gạo xuất khẩu lên cao kỷ lục, cổ phiếu gạo tăng ấn tượng
Diễn biến giá một số cổ phiếu đại diện nhóm ngành gạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, nhóm cổ phiếu gạo đã ghi nhận đà tăng tích cực. Đáng chú ý, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang đã bật tăng trần ngay từ sớm. Các mã cổ phiếu gạo khác như TAR, BLT, NSC, SSC cũng tăng từ 3% trở lên.
Bên cạnh việc tâm lý nhà đầu tư trở nên hưng phấn khi chỉ số VN-Inex vượt ngưỡng 1.200 điểm đầy thuyết phục, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành gạo còn được hỗ trợ bởi một loạt thông tin tích cực về thị trường gạo thế giới.
Sau khi Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đột ngột cấm xuất khẩu phần lớn các loại gạo vào ngày 20/7 thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vọt lên mức cao nhất 12 năm trở lại đây. Khoảng trống thị trường do Ấn Độ để lại đang mở ra “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị phần với các đơn hàng dài hạn và giá cao.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7 vừa qua, cổ phiếu VSF của Vinafood 2 tăng kịch biên độ lên mức 14.600 đồng/cổ phiếu. Qua đó, duy trì 5 phiên liên tiếp tăng điểm, với 4 phiên tăng trần; đồng thời, thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể. Đây cũng đang là mức giá cao nhất của cổ phiếu VSF kể từ khi được niêm yết giao dịch trên sàn UPCoM vào tháng 4/2018 đến nay.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VSF của Vinafood 2 từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Vinafood 2 hiện là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2022. Nếu tính từ ngày 20/7 – thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì thị giá cổ phiếu VSF đã tăng hơn 84%. Qua đó, giúp tổng giá trị vốn hoá thị trường của Vinafood 2 tăng gần gấp đôi, lên mức 7.300 tỷ đồng.
Thị trường hiện kỳ vọng việc giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục sẽ giúp hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 tiếp tục được cải thiện tích cực. Kể từ năm 2013 đến 2021, doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài. Mạch thua lỗ này chỉ được ngắt vào năm 2022 khi Vinafood 2 ghi nhận khoản lãi hơn 88 tỷ đồng. Hiện Vinafood 2 đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn, và quyết toán cổ phần hoá Tổng Công ty.
Bên cạnh cổ phiếu VSF, cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang trên sàn HoSE cũng đang có đà tăng ấn tượng với 7 phiên tăng điểm liên tiếp; trong đó, có tới 5 phiên tăng kịch biên độ mặc dù cổ phiếu này đang nằm trong diện hạn chế giao dịch.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/7, thị giá cổ phiếu AGM đạt 8.510 đồng/cổ phiếu, xác lập mức tăng 42% kể từ ngày 20/7 đến nay. Xuất nhập khẩu An Giang là một trong những doanh nghiệp đứng đầu cả nước về xuất khẩu gạo với 35 năm kinh nghiệm hoạt động. Tuy nhiên, tổng giá trị vốn hoá thị trường của doanh nghiệp này hiện chỉ đạt 155 tỷ đồng – mức tương đối thấp so với mặt bằng chung toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ở nhóm cổ phiếu gạo có vốn hóa lớn hơn như LTG, PAN, TAR… cũng ghi nhận giao dịch sôi động trong tuần trước. Dù một số cổ phiếu cũng có phiên điều chỉnh giảm, song xu hướng chung của các cổ phiếu gạo này vẫn đang nằm trong kênh tăng giá.
Kỳ vọng gì cho nhóm cổ phiếu gạo nửa cuối năm nay?
Trên thực tế, đà tăng của nhóm cổ phiếu gạo được duy trì theo sự hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam, trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Xét từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã cổ phiếu gạo đều tăng trưởng mạnh về thị giá với mức tăng hàng chục %, thậm chí có cổ phiếu tăng bằng lần.
Điển hình, cổ phiếu TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An có thời điểm tăng gấp 3 lần; cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN và cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời tăng hơn gấp đôi.
(Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)
Đà tăng của nhóm cổ phiếu gạo hiện nay đang được hỗ trợ nhờ hàng loạt thông tin vĩ mô tích cực khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao kỷ lục. Giá gạo của những quốc gia xuất khẩu lớn khác cũng đã lên mức cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây, khiến giá lương thực toàn cầu thiết lập một mặt bằng giá mới.
Đặc biệt, trong hai ngày cuối tuần qua, thị trường đón nhận thêm thông tin Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) trở thành 2 nước mới nhất quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo nhằm “bình ổn thị trường nội địa”.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được nhận định có thể đạt trung bình 600 USD – 700 USD/tấn trong thời gian tới, so với mức trung bình 480 – 500 USD/tấn khi nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Những yếu tố này có thể tác động tích cực đến diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Với kỳ vọng bức tranh xuất khẩu gạo tiếp tục “sáng” trong nửa cuối năm nay, thậm chí có thể ghi nhận mức tăng đột biến, kết hợp với chi phí đầu vào (phân bón, vật tư nông nghiệp…) và chi phí vốn vay giảm, nhóm cổ phiếu gạo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi xem xét danh mục cho nửa cuối năm 2023.
Theo đánh giá của KB Securities Vietnam (KBSV), mặc dù giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo đã hồi phục tương đối tốt tính từ vùng đáy tháng 11/2022, song vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Trong đó, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024 với cường độ mạnh hơn những năm trước. Do đó, các nhà đầu tư trong trung và dài hạn có thể mua thực hiện tích lũy từng phần cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này trong các nhịp điều chỉnh về lại hỗ trợ.
Tuy nhiên, KBSV nhấn mạnh hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá gạo gia tăng có thể không như kỳ vọng. Bởi lẽ, giá gạo nguyên liệu cũng sẽ tăng theo, doanh nghiệp khó có lãi, thậm chí có thể gặp rủi ro nếu không tìm được đầu ra kịp thời. Chưa kể, chi phí lãi vay dù đã giảm nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính để tích trữ lượng hàng tồn kho lớn. Đây là những yếu tố nhà đầu tư có thể phải cân nhắc trước khi quyết định đầu tư ngắn hạn vào nhóm cổ phiếu ngành gạo.