Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk thể hiện được vị trí, vai trò đặc biệt, là thanh bảo kiếm sắc bén, “lá chắn thép” trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân 49 dân tộc trong tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk phấn đấu ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Huấn luyện tập kích triển khai các mũi tiến công và chiến thuật chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Cách đây 50 năm, ngày 15/4/1974, Bộ Công an tổ chức ra mắt lực lượng Cảnh sát bảo vệ. Từ đó, ngày 15/4 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát bảo vệ (nay là Cảnh sát Cơ động).
Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk không ngừng nâng cao chất lượng công tác, thể hiện được vị trí, vai trò đặc biệt, là thanh bảo kiếm sắc bén, “lá chắn thép” trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân 49 dân tộc trong tỉnh.
Giữ gìn sự bình yên của nhân dân
Năm 1975, sau ngày đất nước giải phóng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Ban An ninh Đắk Lắk tuyển dụng, mở các lớp đào tạo cấp tốc, tiếp nhận lực lượng chi viện của Bộ Công an, nhanh chóng củng cố, sắp xếp, tổ chức biên chế lực lượng Cảnh sát bảo vệ, tiền thân của lực lượng Cảnh sát Cơ động ngày nay.
Đây là lực lượng được tổ chức hoạt động theo mô hình vũ trang chiến đấu tập trung, có tính cơ động chiến đấu cao, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ở cái tuổi 76, Thượng tá Vũ Thành, cựu Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ (nay là phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm “vào sinh ra tử” và đầy nỗi tự hào về lực lượng mà ông đã cống hiến nửa đời người.
Ông Thành từng vinh dự được dự Lễ ra mắt lực lượng Cảnh sát bảo vệ vào 50 năm trước tại thủ đô Hà Nội, sau đó được tăng cường cho tỉnh Đắk Lắk vào mùa Xuân năm 1977 và cùng với đồng chí, đồng đội truy quét Fulro, giải quyết các vụ biểu tình, bạo loạn năm 2001.
Theo Thượng tá Vũ Thành, ở thời điểm nào, lực lượng Cảnh sát Cơ động cũng phải tinh nhuệ, kỷ luật tốt, giữ được sức chiến đấu cao. Đồng thời, công tác dân vận rất quan trọng, phải biết dựa vào dân, xây dựng phong trào quần chúng nhân dân ở cơ sở vững mạnh, giữ gìn và duy trì bản sắc văn hoá các dân tộc, cùng với thực hiện tốt các chính sách dân tộc thì sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn cũng cho thấy để đảm nhiệm sứ mệnh “bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân,” cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk không ngừng rèn luyện, phấn đấu, thường xuyên tổ chức các đợt huấn luyện nhằm nâng cao thể lực, kỹ-chiến thuật, quân sự, võ thuật Công an nhân dân, nắm vững và thuần thục cách sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện chiến đấu.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, vượt qua khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, dũng cảm chiến đấu hy sinh, lập được nhiều chiến công.
Những kết quả nổi bật của lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua như tham gia giải quyết vấn đề liên quan đến Fulro, các tổ chức phản động; giải quyết các vụ việc phức tạp và gây rối về an ninh trật tự, bạo loạn chính trị, biểu tình bất hợp pháp năm 2001, 2004; các vụ tranh chấp, khiếu kiện, tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự tại xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc), xã Cư San (huyện M’Drắk), thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar)…
Gần đây nhất là vụ “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” xảy ra vào rạng sáng ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin.
Sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát Cơ động đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, cùng các lực lượng chức năng khác khẩn trương truy quét các đối tượng trực tiếp tham gia vụ khủng bố, thu giữ nhiều tang vật.
Ghi nhận những cống hiến và đóng góp của lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Nhiều tập thể và cá nhân được Bộ Công an, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm 1996, đơn vị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Những ngày này, dưới thời tiết nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, các cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk vẫn hăng say rèn luyện võ thuật, chiến thuật chiến đấu.
Đại úy Y Hôm Êban, Cán bộ Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết hàng ngày bản thân anh luôn nỗ lực rèn luyện thể lực, luyện tập võ thuật, vượt chướng ngại vật để nâng cao sức chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động, Đại úy Y Hôm Êban càng tự hào hơn và quyết tâm cống hiến sức mình, gắn bó lâu dài với lực lượng, nỗ lực trấn áp, khống chế, vô hiệu hóa tội phạm, bảo vệ bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Theo Thiếu tá Hoàng Thị Kim Phượng, Đội trưởng Đội Chính trị-Hậu cần, Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk, là nữ Cảnh sát cơ động, công tác trong môi trường đặc thù, chị xác định phải luôn gương mẫu trong mọi mặt công tác, từ việc chấp hành nề nếp, giờ giấc làm việc đến việc tập luyện, “rèn cán, luyện quân,” tham gia thao trường, trực ban, trực chiến.
Đặc biệt, chị luôn tâm niệm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo,” do đó trong những dịp huấn luyện, chống dịch COVID-19, đón công dân ở các tỉnh, thành phố phía Nam về… chị không quản ngại nắng thao trường hay quản ngại khó khăn, luôn trách nhiệm, tiên phong trong công tác.
Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh Đắk Lắk được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nguyên, vấn đề an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đơn vị luôn quan tâm đến công tác huấn luyện.
Cán bộ, chiến sỹ nỗ lực rèn luyện theo phương châm “Mưu trí, dũng cảm, quyết tâm, không sợ gian khổ.”
Bên cạnh đó, đơn vị luôn tổ chức ứng trực cao để sẵn sàng giải quyết những vụ việc phức tạp, có tính chất đông người, gây rối an ninh trật tự, nhiều lần xuất quân với số lượng đông để thực hiện chiến đấu tập trung nhằm đảm bảo giữ gìn sự bình yên của nhân dân.
Theo Đại tá Trần Bình Hưng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, các thế lực thù địch và các loại tội phạm ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh xác định, xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động ngày càng tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về kỹ-chiến thuật; đào tạo cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát Cơ động “vừa hồng vừa chuyên,” đáp ứng giải quyết các tình huống, sự kiện, vụ việc phức tạp; đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội trên địa bàn; đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, không để hình thành các điểm nóng và những vấn đề phức tạp.
Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đầu tư xây dựng trụ sở doanh trại đơn vị, đảm bảo về cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập; trang bị vũ khí, phương tiện, trang thiết bị hiện đại; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giáo dục truyền thống, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, việc chấp hành quy chế, điều lệnh… phù hợp với đặc thù, yêu cầu công tác chiến đấu của lực lượng Cảnh sát Cơ động.
Hơn 4 năm hình thành và phát triển, Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh – đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã và đang từng ngày chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mục tiêu xây dựng lực lượng Cảnh sát Cơ động ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại vào năm 2025, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.