Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở miền núi Bắc Bộ

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Điểm sạt lở trên tuyến đường tỉnh 433 thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, đi huyện Đà Bắc. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, qua phân tích trên ảnh mây vệ tinh, ảnh rađa thời tiết và số liệu định vị sét cho thấy, mây đối lưu tiếp tục phát triển từ phía Đông, gây mưa rào và dông vào sáng 7/10 cho các khu vực huyện Đông Anh, Sóc Sơn và có khả năng mở rộng sang các quận, huyện nội thành khác của Thủ đô Hà Nội; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá ở cấp 1.

Tính đến 6 giờ ngày 7/10, tại khu vực các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như: Hùng Đức 154,8mm (Tuyên Quang); Tân Đồng 154mm (Yên Bái); Thanh Ba 124,4mm (Phú Thọ); Quản Bạ 117,4mm (Hà Giang); Tạ Khoa 104,6mm (Sơn La); Thạch Lâm 94mm (Cao Bằng); Lang Chánh 75,2mm (Thanh Hóa).

Từ 8-11 giờ ngày 7/10, tại các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt các huyện: Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Yên Minh, Mèo Vạc, Quản Bạ, Bắc Mê, thành phố Hà Giang (Hà Giang); Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang); Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai (Lào Cai); Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Trạm Tấu, thành phố Yên Bái, Mù Cang Chải (Yên Bái); Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, thành phố Sơn La, Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La); Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba, Yên Lập, Phù Ninh, Tam Nông (Phú Thọ); Bảo Lâm, Hà Quảng, Thông Nông, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Nguyên Bình (Cao Bằng); Pác Nặm, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, thành phố Bắc Cạn (Bắc Kạn); Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên, Đại Từ (Thái Nguyên); Lang Chánh, Bá Thước, Thọ Xuân, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn (Thanh Hóa). Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Theo hướng dẫn của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình trên, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập úng lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top