Nợ xấu gia tăng, lợi nhuận ngân hàng nhỏ giảm mạnh

Theo công bố kết quả kinh doanh của các ngân hàng, mặc dù đã nỗ lực kiểm soát nợ xấu với tỷ lệ dưới 3% nhằm đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng giá trị các khoản nợ xấu vẫn rất cao. Điều này cũng đã khiến cho lợi nhuận của nhiều ngân hàng, trong đó phần lớn là các ngân hàng nhỏ bị thu hẹp rất nhiều.

Lợi nhuận giảm mạnh

Nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều ngân hàng, phần lớn các ngân hàng nhỏ đều đạt lợi nhuận khá thấp, có ngân hàng giảm lợi nhuận hơn 60%, thậm chí gần 90% so với cùng kỳ.


Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, tại ngân hàng BVBank, lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2023 chỉ đạt 13 tỷ đồng, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2022, mặc dù dư nợ tín dụng đạt gần 53.900 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2022, thuộc nhóm các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tốt.

Trong khi đó, với ABBank, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 là 52,5 tỷ đồng, nhưng giảm đến 94%; lũy kế 6 tháng đầu năm nay hơn 541 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn tại BacABank, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 là 139 tỷ đồng, giảm 58,6% so với quý 1 và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận 380,3 tỷ đồng, giảm đến 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, các ngân hàng như VietBank, VietABank, BaoVietBank… lợi nhuận cũng giảm từ 7% trở lên. Thống kê của NHNN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 4,03%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 9,35% cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, sở dĩ lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh là do khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến hấp thụ dòng vốn thấp, biên lãi ròng thu hẹp và nợ xấu tăng, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tăng.

Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng hiện đang giảm liên tục, giúp lãi suất cho vay của các ngân hàng gần như trở về mức trước đại dịch COVID-19. Thế nhưng, dòng vốn vẫn không được các doanh nghiệp hấp thụ do vướng phải vòng “luẩn quẩn” nợ xấu, không có tài sản đảm bảo, không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, khó chứng minh được dòng tiền… và cuối cùng vẫn không đủ điều kiện để vay. “Do đó, dù lãi suất ngân hàng có giảm thêm nữa thì doanh nghiệp vẫn không vay được vốn”, TS. Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.

Áp lực nợ xấu

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB chia sẻ thêm, một trong những yếu tố lớn tác động đến triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới tiếp tục là tăng trưởng tín dụng. Bởi hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng dám đẩy mạnh cho vay do tỷ lệ nợ xấu đang vượt lên trên 3%. Theo đó, các ngân hàng đang có xu hướng “không đổi” hoặc “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng. Tuy nhiên, chi phí trích lập dự phòng sẽ duy trì đà tăng để tiến tới xóa nợ xấu và kéo giảm nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2023.

Chú thích ảnh
Các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng để tránh rủi ro nợ xấu. Ảnh minh họa

Trước đó, để tránh rủi ro nợ xấu tăng, các ngân hàng đã buộc phải tăng trích lập dự phòng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, VietABank trích lập 38 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Đáng lưu ý, tổng nợ xấu tính đến cuối quý 2/2023 của VietABank tăng 73% so với đầu năm nay, lên 1.660 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ tăng đột biến từ 30 tỷ đồng lên 729 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng vọt từ 1,53% lên 2,49%.

Tương tự, Saigonbank dành hơn 85 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm 2023, nhưng con số này giảm 53% so cùng kỳ. Chất lượng nợ vay của Saigonbank suy giảm khi tổng nợ xấu tính đến 30/6/2023 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm nay và nợ nghi ngờ tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,12% lên 2,3%.

Còn ABBank trích lập gần 815 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong nửa đầu năm nay, gấp 3,7 lần cùng kỳ. Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/6/2023 tại ABBank là 3.820 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu năm, dù các khoản nợ xấu đều có tài sản đảm bảo, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,88% lên 4,55%.

BaoVietBank có nợ xấu tính đến cuối quý 2/2023 tăng 58% so với đầu năm nay, lên mức 1.756 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm 87% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% lên 4,69%. Do đó, ngân hàng đã phải trích lập 324 tỷ đồng dự phòng rủi ro tính riêng trong quý 2/2023 (quý I/2023 không trích lập dự phòng), gấp 7,7 lần quý 2/2022.

Nợ xấu tại BacABank cuối quý 2/2023 là 678,9 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cuối quý 1 và tăng 32,1% so với đầu năm nay. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 4 lần, lên 175,5 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 52,1%, lên 75,5 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 1,4%, lên gần 428 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,5% lên 0,7%.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, để giảm áp lực nợ xấu cũng như để khơi thông dòng vốn nền kinh tế, Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh vào chính sách tài khóa nhiều hơn. Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công không được như kỳ vọng, trong khi đó chính sách tiền tệ hiện gần như đang bão hòa.

Mặt khác, theo TS. Nguyễn Hữu Huân, NHNN không nên giảm thêm lãi suất điều hành trong thời gian tới vì việc này có thể gây ra những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế. Bởi thông thường, chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, với liều thuốc chính sách tiền tệ, đủ là tốt nhưng quá liều sẽ có tác dụng phụ, đó là rủi ro lạm phát, tỷ giá. Do đó, nên kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá dù phải hy sinh tăng trưởng, có như vậy nên kinh tế mới có thể tăng trưởng ổn định hơn, dòng tiền kinh tế mới dần lưu thông và “nút thắt” tín dụng mới dần được tháo gỡ.

Theo: baotintuc.vn
Spread the love
Back To Top