Bình Phước liên kết theo chuỗi sản phẩm để xuất khẩu sầu riêng

Theo Sở NN&PTNT Bình Phước, tỉnh có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng; trong đó có 20 doanh nghiệp trái cây tham gia liên kết liên kết xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.

Thu hoạch sầu riêng. (Ảnh minh họa. Hồng Đạt/TTXVN)

Sầu riêng đang là cây trồng mang lại giá trị cao đối với người dân canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Việc thực hiện canh tác bài bản theo theo Tiêu chuẩn GAP, quản lý bằng mã số vùng trồng và liên kết theo chuỗi sản phẩm để xuất khẩu nông sản, đang là những cách làm mà người nông dân trồng sầu riêng tại Bình Phước thực hiện.

Bù Đăng là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Phước, đây cũng là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh.

Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng cho biết trên địa bàn hiện có 2.441ha trồng sầu riêng; trong đó có 993ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân trên 21 tấn/ha.

Ông Nguyễn Huy Long – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Đăng, cho biết trên địa bàn huyện có 33 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động; trong đó có 8 hợp tác xã dịch vụ, cung ứng, liên kết với các hộ nông dân sản xuất sầu riêng, thu hút gần 450 thành viên đang tích cực phát huy vai trò tập hợp nông dân, liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra cho hơn 500ha sầu riêng trên địa bàn huyện.

“Người nông dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng cũng đã nâng cao nhận thức trong việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp. Do đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn đặt ra, tuân thủ nội dung hợp tác giữa các bên,” ông Long nhận định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho hay hiện nay trên địa bàn có hơn 5.300ha trồng sầu riêng, sản lượng đạt khoảng 14.850 tấn. Diện tích sầu riêng tập trung tại các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Lộc Ninh, với cơ cấu giống Dona chiếm 61%; Ri6 31%; chín hóa 5%, giống khác 4,3%.

“Người trồng sầu riêng trên địa bàn Bình Phước đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất như tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp phun sương, nhỏ giọt; bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sử dụng năng lượng mặt trời để tưới cây; dùng máy bay không người lái phun thuốc bón phân, thu hoạch; ứng dụng công nghệ số để ghi lại lịch sử sản xuất của từng cây trồng… đã và đang mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác sầu riêng,” Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.000ha sầu riêng được Chứng nhận Tiêu chuẩn GAP; trong có có 831ha đạt Tiêu chuẩn VietGAP và 184 GlobalGAP. Đặc biệt, đã có 17 mã số vùng trồng với diện tích 1.000ha trồng sầu riêng đã được cấp chứng nhận.

Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh Bình Phước tiến hành định kỳ 6 tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, tỉnh có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng; trong đó có 20 doanh nghiệp trái cây tham gia liên kết liên kết xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.

Theo ông Nguyễn Viết Toại – Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hoa Lư (huyện Lộc Ninh, Bình Phước), Công ty đã liên kết sản xuất với 10 tổ sản xuất, tổ liên kết và hợp tác xã sầu riêng trong và ngoài tỉnh Bình Phước với tổng diện tích gần 1.000ha. Hiện Công ty đã được cấp VietGAP cho gần 300ha, cấp một mã số vùng trồng đối với Hợp tác xã Thác Mơ. Ngoài ra, 3 vùng trồng tại huyện Bù Đốp là Phước Minh và Đăk Ơ với 200 ha trồng sầu riêng đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng.

Sầu riêng tươi để xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

“Doanh nghiệp hỗ trợ các hộ sản xuất sầu riêng kết nối được với các cơ sở đóng gói uy tín để trái sầu riêng có giá ổn định không bị ép giá. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân bán hơn 3.000 tấn sầu riêng tươi. Kế hoạch năm 2024 sẽ hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 10.000 tấn sầu riêng tươi,” ông Toại cho biết.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia vào “chuỗi sầu riêng” cho rằng, hiện nay diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn Bình Phước còn phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo Tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP còn thấp so với tổng diện tích canh tác.

Ngoài ra, cây sầu riêng là cây khó tính kén chọn đất, nước và dễ mẫn cảm thời tiết và sâu bệnh đặc biệt là bệnh nguy hiểm, khó trị. Nếu người trồng thiếu am hiểu kỹ thuật, đặc tính của cây mà trồng theo phong trào nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn (theo tính toán, thời gian kiến thiết cơ bản cây sầu riêng từ 4-6 năm, chi phí khoảng 250-300 triệu/ha/4 năm).

Để phát triển bền vững, hiệu quả cây sầu riêng phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; duy trì và đảm bảo đáp ứng Tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần Tiêu chuẩn GAP để cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường mới Tiêu chuẩn GAP cao hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Do lợi nhuận từ cây sầu riêng cao nên diện tích cây sầu riêng tăng nhanh. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nông dân cần lựa chọn cơ sở bán giống uy tín, đúng chất lượng công bố và có hợp đồng cam kết tính đúng giống như công bố được cơ quan ngành xác nhận./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top