Liên tiếp trong 5 phiên, Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 70.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất trúng thầu có xu hướng nhích nhẹ.
Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo kết quả chào bán tín phiếu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong phiên ngày 27/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.
Kết quả có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65% – cao hơn phiên hôm qua (0,58%) và phiên đầu tuần (0,49%).
Đây là phiên phát hành tín phiếu thứ 5 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, với tổng quy mô phát hành đạt gần 70.000 tỷ đồng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.
Về mức độ quan tâm, số lượng thành viên tham gia khá đông đảo (11-17 thành viên) với số lượng thành viên trúng thấu và khối lượng trúng thầu có xu hướng tăng dần.
Giới phân tích cho rằng mục đích phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn. Lượng tín phiếu cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo rằng Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, động thái trên không đồng nghĩa với sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ. Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động can thiệp còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là diễn biến của chỉ số USD Index (DXY)./.