Ngày 2/11, hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới, diễn ra tại trung tâm Bletchley Park của Anh, đã kết thúc với tuyên bố chung về an toàn AI.
Trí tuệ nhân tạo mang lại những cơ hội to lớn, nhưng việc cố ý lạm dụng sẽ gây ra rủi ro đáng kể. Ảnh minh họa: TTXVN
Liên minh châu Âu (EU) và 28 quốc gia tham gia hội nghị đã thống nhất thúc đẩy nỗ lực toàn cầu mới để đảm bảo AI được phát triển và sử dụng an toàn, có trách nhiệm.
Tuyên bố của Chính phủ Anh nêu rõ AI mang lại những cơ hội to lớn và là lĩnh vực tiềm năng giúp nâng cao phúc lợi, hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại. Tuy nhiên, việc cố ý lạm dụng AI sẽ gây ra rủi ro đáng kể, đặc biệt là về an ninh mạng, công nghệ sinh học và thông tin sai lệch. London khẳng định những rủi ro này có thể được giải quyết tốt nhất thông qua hợp tác quốc tế.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh thỏa thuận thử nghiệm mô hình AI giữa các chính phủ và các công ty công nghệ đã đạt được trong hội nghị sẽ giúp tạo sự “cân bằng có lợi cho toàn nhân loại”.
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, viện dẫn lời nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking rằng “AI có thể là điều tốt nhất hoặc tồi tệ nhất xảy ra với nhân loại”, Thủ tướng Anh khẳng định nếu các nước duy trì hợp tác như thỏa thuận, AI sẽ được sử dụng theo cách tốt nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Antonio Guterres nhấn mạnh thế giới cần đi trước làn sóng AI. Theo ông, việc AI phát triển nhanh chóng có thể có gây ra những hậu quả lâu dài trong mọi lĩnh vực từ việc làm đến văn hóa, trong khi việc tập trung vào một số quốc gia và công ty có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Ông cảnh báo thực trạng này có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng đang diễn ra trên thế giới. Do đó, người đứng đầu LHQ kêu gọi thế giới “phản ứng thống nhất, bền vững, toàn cầu” trước các nguy cơ từ AI. Ông nêu rõ thế giới cần “chiến lược toàn cầu thống nhất, bền vững, dựa trên chủ nghĩa đa phương và sự tham gia của tất cả các bên liên quan”.
Về phần mình, Giám đốc điều hành (CEO) của SpaceX và Tesla, tỷ phú Elon Musk thừa nhận lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng là một trong những rủi ro hiện hữu mà thế giới phải đối mặt.
Phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Sunak sau hội nghị, ông Musk cảnh báo AI có thể thực hiện những điều ước nào con người muốn, nhưng sẽ đến lúc “robot giống con người” này sẽ khiến con người khó tìm thấy ý nghĩa cuộc sống khi chúng làm thay mọi việc trong mọi lúc, ở mọi nơi. Theo ông, hội nghị thượng đỉnh về AI đã được tổ chức kịp thời, góp phần giải quyết vấn đề này.
Hội nghị AI tại Anh diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại xung quanh công nghệ mới nổi này, như tình trạng mất việc làm, các cuộc tấn công mạng, đến khả năng con người duy trì quyền kiểm soát các hệ thống sử dụng AI trong tương lai.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, từ ngày 1-2/11, đại diện các nước tham gia trong đó có Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và EU đã thảo luận về những rủi ro và cơ hội do sự phát triển nhanh chóng của AI mang lại. Trong ngày họp đầu tiên, 28 quốc gia và EU đã ký thỏa thuận công nhận cần có hành động quốc tế trong việc phát triển và quản lý AI.
Trong ngày họp thứ hai, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7), cùng với Australia, Hàn Quốc, Singapore và EU đã ký thỏa thuận với các công ty hàng đầu về AI như OpenAI, Anthropic, Google DeepMind và Microsoft để thử nghiệm các mô hình AI mới nhất trước và sau khi phổ biến chúng.
Hội nghị đã nhất trí rằng Hàn Quốc sẽ đồng đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về AI trong vòng 6 tháng tới, và Pháp sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 11/2024.