Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết Hội đồng Thống đốc của tổ chức này đã phê duyệt đề xuất tăng 50% hạn ngạch đóng góp tài chính của các thành viên.
Biểu tượng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi tháng 11 vừa qua, IMF đã đưa ra đề xuất nói trên. Sau nhiều năm thảo luận, các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên IMF đã nhất trí tăng mức đóng góp cho tổ chức này tại Hội nghị mùa Thu của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Marrakech, Morocco.
Hạn ngạch trên được xét dựa trên quy mô nền kinh tế của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên, xác định số tiền mà mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ nên cung cấp cho IMF, quyền biểu quyết và số tiền cho vay tối đa mà thành viên đó có thể nhận được.
Theo IMF, mức tăng 50% hạn ngạch đóng góp tương đương khoảng 320 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện hành, sẽ giúp tăng cường nguồn lực lâu dài của IMF, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào việc vay mượn. Tuy nhiên, việc tăng hạn ngạch đóng góp này không làm tăng tổng nguồn lực cho vay của IMF.
Hiện tổng nguồn lực của IMF chuyển thành khả năng cho vay đạt gần 1.000 tỷ USD. Tổng giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, cho rằng động thái trên sẽ giúp đảm bảo sự ổn định tài chính toàn cầu và kịp thời hỗ trợ các nước thành viên khi cần ứng phó với nguy cơ rơi vào bất ổn trong thế giới đầy biến động như hiện nay.
Việc tăng hạn ngạch sẽ có hiệu lực muộn nhất vào ngày 15/11/2024, sau quá trình các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên IMF thông qua mức đóng góp mới tại nước mình, trong đó nhiều nước cần thông qua thủ tục này tại cơ quan lập pháp.
Hiện tại, IMF cho vay trên cơ sở thỏa thuận song phương và các cam kết với quỹ cho vay nhằm ứng phó với khủng hoảng có tên gọi là “Thỏa thuận cho vay mới”. Ban điều hành IMF sẽ thảo luận các đề xuất giảm quy mô quỹ này vào đầu năm 2024.
Trong khi đó, Phó Giám đốc bộ phận tài chính của IMF, bà Zuzana Murgasova, cho biết IMF sẽ sớm nghiên cứu và ban hành văn bản hướng triển khai tái cơ cấu hạn ngạch đóng góp của các nước, vùng lãnh thổ thành viên.