Tp.Hồ Chí Minh khan hiếm mặt bằng bán lẻ quy mô lớn, hiện đại

Thị trường bất động sản bán lẻ của Tp.Hồ Chí Minh đang tăng trưởng rất chậm, khan hiếm mặt băng bán lẻ có quy mô lớn, hiện đại.
AEON Mall Bình Tân. Ảnh: aeonmall-vietnam.com

Được xem là một trong những thành phố có sự phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực thương mại dịch vụ, thị trường bán lẻ, tuy nhiên theo các công ty nghiên cứu về thị trường bất động sản hàng đầu Việt Nam hiện nay, thị trường bất động sản bán lẻ của Tp.Hồ Chí Minh đang tăng trưởng rất chậm, khan hiếm mặt băng bán lẻ có quy mô lớn, hiện đại.

Đánh giá về thị trường cho thuê bán lẻ hiện nay, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills Việt Nam chia sẻ, từ đây đến cuối năm 2023, Việt Nam sẽ đón hàng loạt dự án trung tâm thương mại mới với quy mô lớn tại cả Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh như Lotte Mall West Lake Ha Noi, Thiso Retail Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Hùng Vương Plaza (Quận 5) mở lại. Cùng với đó, một vài khối đế bán lẻ ở các cụm dân cư đang trong quá trình gấp rút chào thuê dự án, dự kiến khai trương trong cuối năm nay hoặc quý I/2024 tùy vào tiến độ các khách thuê sắp xếp lộ trình thi công và triển khai nhân sự.
Theo các chuyên gia của Savills Việt Nam,  bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại do tâm lý người tiêu dung cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trong nước ổn định sẽ thúc đẩy sự phát triển trong tương lai. Trong quý II/2023, tại Tp. Hồ Chí Minh nguồn cung bán lẻ đạt hơn 1,5 triệu m2 sàn, không đổi theo quý và theo năm. Trong những tháng cuối năm 2023, chỉ có ba dự án ở khu vực ngoài trung tâm sẽ đi vào hoạt động với diện tích cho thuê dự kiến 66.000 m2. Tình hình hoạt động của các dự án bán lẻ hiện đại vượt trội so với shophouse nhờ cung cấp trải nghiệm hàng hóa và dịch vụ đa dạng hơn.
Giá thuê nhà phố tại các tuyến đường như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Nguyễn Trãi giảm 8% mỗi năm từ 2019 đến nay, trong khi giá thuê của phân khúc bán lẻ hiện đại vẫn tăng trung bình 3% mỗi năm.
“Mặc dù bối cảnh nền kinh tế nói chung có phần ảm đạm nhưng không tác động nhiều đến tình hình hoạt động của thị trường. Bộ phận cho thuê bán lẻ của Savills Việt Nam ghi nhận các nhà bán lẻ cũng như chủ đầu tư đều đang nỗ lực trong các hoạt động chuẩn bị đón mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Cùng với đó, hàng loạt thương hiệu mới đang tăng tốc chuẩn bị những bước cuối cùng để khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Các nhóm ngành chính có thể thấy như thời trang, đồ thể thao, nội thất, giày dép, túi xách và phụ kiện. Ngoài ra, một số thương hiệu F&B nước ngoài cũng đang trong quá trình tìm kiếm mặt bằng đắc địa tại cả Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh để mở của”, bà Quyên thông tin.
Theo ghi nhận của CBRE Việt Nam, hầu hết các công trình trung tâm thương mại mới tại Tp. Hồ Chí Minh đều có tiến độ xây dựng bị trì hoãn và khó có thể hoàn thành theo như dự kiến. Do vậy, trong năm 2023, Tp. Hồ Chí Minh sẽ không có thêm trung tâm thương mại mới nào đi vào hoạt động.
Mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm đang rất khan hiếm, với tỷ lệ trống trung bình tại khu vực này chỉ khoảng 5%. Trong bối cảnh các nhãn hàng vẫn rất tích cực tìm kiếm các mặt bằng chất lượng để cung cấp những trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng, mà mặt bằng lại khan hiếm, đã đẩy giá thuê khu vực trung tâm Quận 1 tăng mạnh từ quý II và quý III năm 2022 (tăng từ 154,4 USD lên hơn 200 USD/m2/tháng).
Vì thị trường không có nguồn cung mới và diện tích trống hạn chế nên diện tích hấp thụ ròng trong quý II/2023 tại Tp.Hồ Chí Minh khá thấp, với chỉ 3.415 m2. Tuy nhiên, thị trường liên tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà bán lẻ nước ngoài trong lĩnh vực thời trang, phụ kiện, sức khỏe và sắc đẹp. Các tổ chức nước ngoài tiếp tục đầu tư và quan tâm mạnh mẽ đến mảng bất động sản bán lẻ tại Việt Nam.
Thông tin về thị trường mặt bằng bán lẻ, Công ty Cushman & Wakefield cho rằng, tỷ lệ lấp đầy tiếp tục ổn định so với quý trước nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đến từ xu hướng cải tạo mặt bằng, cùng với tỷ lệ trống cao ở một số dự án xa khu dân cư hoặc chưa được quản lý tốt.
Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chứng tỏ đươc sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Điển hình, cửa hàng Maison de Bijoux đầu tiên khai trương vào tháng 4 trên đường Thi Sách, Quận 1; Cửa hàng Watches of Switzerland cũng mở cửa tại Trung tâm thương mại Thiso Mall, Thành phố Thủ Đức, trong tháng 5. Thương hiệu đồng hồ xa xỉ Hublot khai trương hai cửa hàng trong tháng 6 tại Union Square (Tp.Hồ Chí Minh) và Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Nhãn hàng thời trang nữ của Tory Burch cũng chính thức có mặt tại Union Square, Quận 1 trong tháng 5.
Theo Công ty Cushman & Wakefield, không chỉ là nhà bán lẻ thời trang, các nhãn hàng ăn uống, nghỉ dưỡng cũng chạy đua đa dạng hóa trải nghiệm và hướng đến nhóm khách hàng chi tiêu cao. Cửa hàng Pizza Hut ra mắt hai cửa hàng mới thuộc dòng Pizza Hut Signature tại AEON Mall Bình Tân và AEON Mall Tân Phú vào tháng 6. WinCommerce vừa cho ra mắt nhiều mô hình kinh doanh mới, tiêu biểu là Winmart Premium (Quận 7); thương hiệu M Village khai trương hai khách sạn mới thuộc dòng Signature by M Village tại Quận 1; thương hiệu mỹ phẩm LUSH cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ở Vincom Đồng Khởi.
Ở bức tranh lớn, ông Simon Smith, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills về thị trường bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, châu Á – Thái Bình Dương là một điểm tương đối sáng trên toàn cầu, mặc dù tốc độ tăng trưởng đang ở mức vừa phải. Bất chấp các điều kiện kinh tế vĩ mô khác nhau, hầu hết các thị trường cho thuê bán lẻ ở châu Á -Thái Bình Dương đều đã chạm đáy và đang có xu hướng đi lên.
“Nhìn chung, nguồn cung mới trung tâm mua sắm cao cấp châu Á – Thái Bình Dương trên 12 thị trường mà chúng tôi theo dõi dự kiến sẽ đạt 9,5 triệu m2 từ năm 2023 đến năm 2025. Ngược lại, các thị trường trọng điểm như Bangkok, Tp.Hồ Chí Minh, Manila… phải đối mặt với nguồn cung mới hạn chế, khan hiếm mặt bằng trống và các chương trình hỗ trợ giá thuê. Hầu hết các thị trường trung tâm mua sắm cao cấp ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ có mức tăng giá thuê từ 0 đến 5% vào năm 2023, nổi bật là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Tp.Hồ Chí Minh với tiềm năng tăng giá 10%”, vị chuyên gia nhận định./.

Theo: TTXVN
Spread the love
Back To Top